“Nhưng hình như cha tôi đã bí mật trả học phí cho thầy. Ông ấy yêu
cờ vây hơn tất cả, nên dù không muốn tôi trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp
nhưng có lẽ vẫn muốn tôi giỏi lên.”
“Sau đó thì sao?”
“Sau đó chẳng bao lâu, cha tôi lỡ bước trong kinh doanh, cửa tiệm tiêu
tán rồi phá sản. Sau đó cha tôi treo cổ tự vẫn, thay lời xin lỗi đến các chủ
nợ.”
Một câu chuyện hết sức chấn động, ấy vậy nhưng giọng kể của
Miyabe lại rất hững hờ.
“Những người ở lại cũng không chịu đựng nổi. Tôi thôi học trung học.
Mẹ ngã bệnh, rồi không bao lâu cũng qua đời. Chỉ trong nửa năm tôi đã trở
thành kẻ côi cút trên cõi đời này. Tiền bạc không có, người thân không có,
họ hàng để nhờ cậy cũng chẳng còn. Trong tình cảnh đó, tôi không biết
phải làm gì, nên đã gia nhập Hải quân.”
Lần đầu tiên ta nghe về quá khứ của Miyabe.
“Thầy Segoe bảo tôi đến chỗ ông học nghề rồi ông sẽ nuôi tôi. Nhưng
nhà thầy cũng chẳng khá giả gì, nên tôi đã từ chối. Tôi dự định nếu rớt kỳ
tuyển quân, tôi sẽ xin học nghề trong một tiệm buôn nào đó.”
Thì ra Miyabe cũng vậy. Các hạ sĩ quan Hải quân thường là những
người nhập ngũ vì muốn giảm miệng ăn trong gia đình. Con trai thứ trong
một nông gia chỉ có hai con đường sống là lên đô thành làm công học việc
hoặc gia nhập quân đội. Rất ít trẻ con có thể học lên trung học. Thực ra,
học viên trường Hải quân phần nhiều xuất thân từ gia đình không mấy khá
giả. Vì học trường quân sự không mất học phí nên nhiều đứa trẻ ưu tú
không có điều kiện học lên cao đẳng, đã đến trường quân sự. Thời đó Nhật
Bản rất nghèo, xã hội phân chia giai cấp, các cháu bây giờ khó lòng tưởng
tượng nổi.
Miyabe không phải con thứ nhưng gia cảnh bất hạnh nên cũng đành
nhập ngũ.
Bản thân ta là con thứ ba trong một gia đình tá điền. Sau khi tốt nghiệp
tiểu học, ta vào làm trong một xưởng làm tương. Xưởng đóng cửa, ta không
còn nơi nào để đi nên đã vào quân đội. Có lẽ đây là chuyện mà thế hệ trẻ