Ta vẫn còn nhớ sự thất vọng cực độ của mình khi nghe cậu ấy. Đó là
lời nói của một phi công lái chiến đấu cơ của Không lực Hải quân sao? Tin
đồn về “Thằng hèn” đúng là thật rồi.
Đối với ta khi ấy, gia đình là nơi ta bắt đầu cuộc hành trình. Cả cha mẹ
đều tiễn ta ra trận. Vì thế, câu “muốn trở về” đó nghe yếu ớt như đàn bà. Ta
chưa thể hiểu nổi việc “gia đình” là thứ mà “người đàn ông phải bảo vệ”,
mãi cho đến khi chiến tranh kết thúc, ta xuất ngũ và có gia đình. À không,
cũng chưa hẳn. Phải đến lúc có con, lần đầu tiên ta mới hiểu cuộc đời này
không chỉ của riêng mình. Đối với một thằng đàn ông thì phải gánh vác gia
đình bằng tất cả sức lực của mình. Lúc đó, ta mới nhận ra lời nói của
Miyabe có sức nặng đến thế nào. Thật đáng xấu hổ.
Các cháu có biết sở thích của ta bây giờ là gì không? Là cờ vây đấy.
Mỗi tuần đánh cờ một lần ở Hội người cao tuổi, đó là niềm vui lớn nhất của
ta hiện giờ.
Nếu có thể ta cũng muốn Miyabe dạy ta chơi một ván.
Sau mùa hè 1943, ngay cả Rabaul cũng bị không kích hằng ngày. Cả
phi trường Lae mà các phi công thiện chiến của Phi đội Tainan xưa kia
chiến đấu cũng rơi vào tay địch, các đảo xung quanh lần lượt bị chiếm,
Rabaul như đèn treo trước gió.
Sau đó, cuối năm 1943, chiếc Grumman F6F xuất hiện, nó là một
chiến cơ vô cùng dũng mãnh, vượt xa Grumman F4F.
Ta nhớ đã rất sửng sốt khi lần đầu nhìn thấy chiếc Grumman F6F rơi
tại Rabaul. Thân máy gồ ghề, động cơ bên trong khổng lồ, đáng sợ như một
con quái vật. Do va đập khi rơi nên nó đã hỏng, nhưng đội trưởng đội bảo
trì ước lượng công suất của nó khoảng 2.000 mã lực. Gấp hai lần Reisen.
Nhờ mã lực khổng lồ đó, các vũ khí hạng nặng và thiết bị chống đạn cũng
được trang bị đầy ấn tượng.
Dưới sự lãnh đạo của đội trưởng đội bảo trì, mọi người tháo rời động
cơ đã hỏng ra nghiên cứu. Ta đã thấy nó được chế tạo tinh xảo đến thế nào.
Đội trưởng lắc đầu nói. “Chế tạo một cỗ máy thế này ở Nhật là việc vô
cùng khó khăn.”