“Rất lâu rồi mới lại có người đến thăm ta.”
Cô hộ lý pha trà mời chúng tôi. Ông Tanikawa cẩn trọng cầm chén,
chậm rãi nhấp trà.
“Ta chưa từng nhắc lại chuyện thời chiến khi ấy. Ta ghét bị nghĩ rằng
mình khoe khoang chiến công, cũng không muốn bị thương hại. Chưa nói
đến chuyện ta không thể chịu nổi thói tọc mạch. Chắc đó là tâm trạng
chung của nhiều người từng trong cuộc chiến đó.”
Chị định nói gì đó, nhưng ông Tanikawa quạt tay chặn lại. “Ta biết
cháu muốn nói gì. Có lẽ đây thực sự là chuyện phải kể cho thế hệ sau, là
nhiệm vụ của những người từng ra chiến trường. Ta nghĩ nhiều người kể về
những trải nghiệm chiến tranh như sứ mệnh của mình.” Ông Tanikawa đặt
chén trà lên bàn. “Ta không còn sống lâu nữa. Vợ ta đã đi trước rồi, sau khi
chỉ còn một mình trên đời, ta đã suy nghĩ về việc này nhiều năm, nhưng
vẫn chưa có đáp án. Không chừng một ngày không xa nữa ta sẽ ra đi.” Ông
Tanikawa nhìn vào mắt tôi nói. “Nhưng, hôm nay ta sẽ kể.”
Ta và Miyabe cùng chiến đấu với nhau trong Phi đội 12 tại Thượng
Hải, Trung Quốc. Miyabe là một phi công dũng cảm, không biết sợ hãi.
Hơn nữa, lại là thiên tài về kỹ thuật điều khiển trong các cuộc không chiến.
Một khi đã bám theo địch thì tuyệt đối không buông tha. Ta còn nhớ có ai
đó đã nói, “Miyabe giống như con ba ba trơn vậy.”
Thời gian đó ở Thượng Hải đầy rẫy những tay có tiếng như Akamatsu
Sadaaki, Kuroiwa Toshio, Kashimura Kanichi. Cả Iwamoto Tetsuzo nữa,
nhưng thời ấy vẫn còn là phi công dự bị.
Akamatsu thường hay gây gổ. Cứ rượu vào là mất kiểm soát. Các
hành vi sai trái của anh ta không sao đếm xuể, đến mức không được đề xuất
huân chương. Sau chiến tranh, anh ta bị đánh giá không tốt, nhưng về tài
điều khiển thì không ai có thể chối cãi được. Anh ta khoác lác rằng đã bắn
rơi 350 máy bay nhưng kỹ thuật không chiến thì thực sự không hề khoác
lác.
Kuroiwa là người kỳ cựu trong các cuộc không chiến tay đôi. Chuyện
anh ấy quay cậu Sakai Saburo như chong chóng trong trận diễn tập không
chiến khá nổi tiếng.