Ta khâm phục việc quân Mỹ thực sự coi trọng sinh mạng phi công của
họ. Ngoài ra, mỗi khi đến không kích, quân Mỹ luôn bố trí tàu ngầm dọc
đường đi. Việc đó nhằm cứu những phi công buộc phải hạ cánh khẩn cấp
trên biển.
Khi ta nói chuyện đó với Miyabe, cậu ta bảo.
“Việc máy bay bị bắn hạ nhưng phi công vẫn có thể trở lại chiến
trường sẽ giúp họ tận dụng những kinh nghiệm từ thất bại của mình.”
“Còn chúng ta dù chỉ một lần thất bại, cũng xem như chấm hết phải
không?”
“Đúng vậy. Còn bọn họ làm vậy sẽ tích lũy kinh nghiệm và dần được
đào tạo thành những phi công thuần thục.”
“Có phải đó là nguyên nhân các phi công lão luyện của chúng ta bị
hao hụt đi không?”
Vào khoảng thời gian đó, kỹ thuật của quân Mỹ đã được nâng cao,
khác xa so với thời khai chiến. Ngoài ra, hai chiến cơ tinh nhuệ mới
Grumman F6F và Sikorsky đã hơn hẳn Reisen. Bọn họ điều khiển các
chiến cơ ưu việt đó, liên lạc bằng điện đàm, thực hiện các cuộc không chiến
với đội hình khéo léo. Hơn nữa, còn áp đảo về mặt số lượng. Dù thế nào,
cuộc chiến này sớm đã không thể thắng được.
Ngược lại, phi công phe ta hầu hết đều là những người trẻ chưa tròn
hai năm kinh nghiệm bay. Sự sụt giảm kỹ thuật đó không gì có thể phủ lấp
được. Điều đó hiện rõ như ban ngày khi ta xem buổi tập cất cánh, hạ cánh
trên tàu tại bến Tawi Tawi ở Bắc Đảo. Họ liên tục đáp hỏng, hết đâm vào
đuôi tàu, lại lật ngược trên boong, dùng dư lực từ đầu tàu khiến máy bay rơi
xuống. Mỗi buổi tập huấn đáp tàu lại tổn thất một số lượng tương đối lớn
máy bay và phi công, chính xác là hơn 50 vụ như thế. Chỉ tập huấn đáp tàu
mà mất binh lực tương đương một chiếc mẫu hạm.
“Trời ơi, chuyện gì đang diễn ra thế?” Ta nói khi trong phòng chờ chỉ
còn lại Miyabe. “Phi công không thể hoàn thành nổi việc đáp tàu thì làm
sao chiến đấu được đây?”
Miyabe ngồi xuống ghế, vắt chân.