Mặt chị tôi đỏ bừng. Tôi đặt bàn tay lên đầu gối chị Keiko dưới gầm
bàn trấn an. Chị cầm tay tôi ý nói không sao, rồi cố gắng hỏi bằng giọng
bình tĩnh.
“Chuyện đó là sao ạ?
“Chuyện đó là sao ư?” Ông ta lặp lại câu hỏi của chị. “Hắn là một
thằng quý mạng sống hơn bất cứ thứ gì. Bọn ta lái máy bay là xác định trao
mạng sống của mình cho Tổ quốc. Từ khi ngồi lên chiếc máy bay chiến
đấu, ta đã không còn nghĩ đó là mạng sống của mình nữa rồi.”
Ông Hasegawa vừa nói vừa chạm vào tay áo trái. Nó khẽ động.
“Ta luôn cảm nhận được cái chết cận kề. Dù trên bất cứ chiến trường
nào chăng nữa, ta cũng không nghĩ đến việc thương tiếc mạng sống của
mình. Nhưng, thằng Miyabe đó thì khác. Hắn ta luôn trốn chạy. Hy vọng
lớn nhất đời hắn là cứu lấy mạng sống của chính mình, với hắn điều đó còn
quan trọng hơn cả chiến thắng.”
“Quý trọng mạng sống, cháu nghĩ đó là tâm lý tự nhiên.”
Ông Hasegawa nhìn thẳng vào chị tôi.
“Đó là thứ tâm lý của lũ đàn bà.”
“Ý ông là sao?”
Tôi khẽ gọi nhưng chị Keiko vờ như không nghe thấy.
“Cháu nghĩ nam nữ đều như nhau. Việc quý trọng mạng sống của
mình chẳng phải là lẽ đương nhiên sao?”
“Này cô gái trẻ, đó là suy nghĩ trong thời bình. Còn bọn ta lúc đó đang
trong trận chiến mà không biết nước Nhật còn hay mất. Nếu hy sinh mà có
thể bảo vệ đất nước thì ta cũng cam lòng. Nhưng hắn lại muốn chạy trốn
khỏi chiến trường.”
“Cháu thấy suy nghĩ đó hay đấy chứ!”
“Hay?” Ông ta cao giọng. “Binh sĩ mà lúc nào cũng mang suy nghĩ
trốn chạy thì xông pha chiến trường để làm gì?”
“Nếu ai cũng nghĩ được vậy thì sẽ chẳng bao giờ có chiến tranh.”
Ông ta sững sờ, miệng há hốc.
“Mày đã học được gì ở trường thế? Không được học lịch sử thế giới à?
Lịch sử nhân loại là lịch sử của chiến tranh. Đương nhiên chiến tranh là