lại lời kêu gọi của sĩ quan. Dối trá!
Như vậy đấy, đó là một mệnh lệnh bất thành văn. Bọn ta đã không
được cho thời gian để suy nghĩ. Chúng ta chỉ làm theo mệnh lệnh như một
phản xạ quen thuộc của một quân nhân và chợt nhận ra, điều đó đồng nghĩa
với việc ký tên vào bản án tử hình của chính mình vậy.
Khi trở về doanh trại, không khí nặng nề lan truyền. Người đầu tiên ta
nghĩ tới chính là Kae. Ta không thể giữ lời hứa với cô ấy được nữa rồi. Thứ
hiện lên trong đầu ta không phải gương mặt giàn giụa nước mắt của Kae
mà là gương mặt giận dữ của cô ấy. Là gương mặt của Kae khi còn nhỏ đã
đánh ta. Trong lòng ta cảm thấy thật có lỗi.
Đến lúc ấy, ta chưa từng viết qua thứ gọi là di thư, nhưng đó là lần đầu
tiên ta viết. Ta không nhớ khi ấy mình đã viết gì, chỉ nhớ câu mở đầu rằng:
“Gửi Kae yêu dấu!”
Thực lòng mà nói, ta không sợ chết, không phải vì cố làm ra vẻ như
vậy đâu. Từ sau trận Trân Châu Cảng, ta đã không còn nghĩ nhiều về mạng
sống nữa. Nhiều phi công ưu tú hơn ta đã hy sinh. Bản thân ta đến lúc ấy đã
trải qua gần trăm trận không chiến, nhiều lần máy bay bị trúng đạn của
địch. Chúng đều không phải những đòn chí mạng nhưng nhiều lần chỉ cần
xê dịch vài chục centimet là bị tiêu diệt rồi. Ta còn sống đến bây giờ chẳng
qua nhờ may mắn thôi. Sau cùng rồi ta cũng phải đi theo đồng đội.
Tuy nhiên, việc sẵn sàng cho cái chết khi đi tấn công và việc xuất kích
xác định trước cái chết là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Cho đến tận lúc
đó, dù khả năng rất nhỏ nhoi nhưng chúng ta vẫn còn một tia hy vọng trong
chiến đấu. Thế nhưng, cuộc tấn công đặc biệt này khó lòng may mắn. Tất
cả mọi nỗ lực để sống sót đều vô ích. Nếu xuất kích nhất định sẽ chết.
Dù vậy, một khi đã tình nguyện tham gia thì phải chết như một đấng
nam nhi. Ta chỉ cảm thấy hối tiếc về chuyện của Kae. Tận sâu trong đáy
lòng, ta hối hận vì đã kết hôn, nhưng một mặt, ta lại nghĩ vì Kae ta có thể
hy sinh.
Ta còn nhớ việc Đô đốc Hạm đội Không quân Một Onishi Takijiro đến
Mabalacat sau khi chúng ta đã tự nguyện tham gia.