kích, bọn ta dần cảm nhận có lẽ bản thân mình cũng phải tham gia tấn
công.
Đầu năm 1945, thầy Miyabe đến làm giáo quan vào lúc chúng ta sắp
kết thúc huấn luyện.
Ta vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng đầu tiên về thầy, phong thái thầy thật
khác thường. Có vài người ở phi đội Tsukuba từ chiến địa trở về, họ đều
mang vẻ uy nghiêm của người vượt qua sinh tử. Thầy Miyabe cũng mang
phong thái như thế.
Kỳ lạ là thầy không hề kể chuyện về chiến trường ác liệt, cũng chẳng
kể gì về kinh nghiệm chiến đấu. Thầy ấy là người hoàn toàn không nói
những chuyện hào nhoáng và chiến công.
Cấp bậc của thầy Miyabe là thiếu úy nhưng thầy luôn dùng những lời
trịnh trọng với chúng ta. Các giáo quan ít ỏi xuất thân từ trường Hải quân
hầu như ngôn từ đều thô lỗ, quát tháo to tiếng là chuyện đương nhiên.
Nhưng thầy Miyabe thì chưa một lần như vậy với học viên. Hơn nữa, thầy
Miyabe lại là thiếu úy đặc vụ, thấp hơn một bậc. Sĩ quan thăng tiến từ hạ sĩ
quan được gọi là sĩ quan đặc vụ, bị đối xử thấp hơn sĩ quan tốt nghiệp từ
trường Hải quân. Một lần, ta đã từng thấy cảnh một thiếu úy trẻ xuất thân
từ trường Hải quân quát một trung úy đặc vụ lớn tuổi nọ. Đó là chuyên của
quân đội đấy.
Tuy nhiên, khác hẳn với sự trịnh trọng trong lời nói, thầy Miyabe là
một giảng viên vô cùng nghiêm khắc. Thầy ấy nổi tiếng với việc kiên quyết
không chấm bọn ta điểm đạt, trái ngược hẳn với các giảng viên khác. Thầy
bị nhiều học viên dự bị bao gồm cả ta không vừa lòng.
“Chắc ý của lão rằng, dưới con mắt của người từ chiến trường trở về
thì chúng ta chỉ là gà mờ. Như thế còn đáng ghét hơn cả những kẻ ra vẻ
từng trải.”
“Hẳn ông ta không ưa việc chúng ta là sĩ quan dự bị, nhưng cũng
không cần gây khó dễ kiểu đó chứ.”
Ta cũng cảm giác rằng cách làm ấy của thầy Miyabe độc đoán. Như ai
đó đã nói, phải mất mười năm cố gắng mới lên được cấp bậc thiếu úy, thì