bảo đảm với các cháu. Tấn công cảm tử đều làm theo mệnh lệnh, từ một bộ
phận nhỏ ngoại lệ.
Dù kết thúc giai đoạn học viên phi hành và nhậm chức Thiếu úy
nhưng bọn ta chưa được bố trí thực chiến mà tiếp tục tham gia tập huấn
điều khiển. Khoảng thời gian đó, vì nhiên liệu bay không có nên học viên
hầu như không được bay, tốt nghiệp chỉ là hình thức thôi.
Thứ chúng ta được lái trong khóa tập huấn là những chiếc máy bay
huấn luyện cánh kép “Chuồn chuồn đỏ” hay những chiếc máy bay tiêm
kích trên mẫu hạm kiểu 96 đời cũ. Những chiếc máy bay huấn luyện đó bay
bằng xăng thô, dầu thông hoặc cồn ethyl. Sau này ta nghe nói, ngay cả máy
bay thực chiến cũng không được sử dụng xăng hàng không chuyên dụng có
chỉ số octan cao.
Đây là chuyện ngoài lề thôi. Sau chiến tranh, khi quân Mỹ kiểm tra
tính năng của các chiến đấu cơ Nhật Bản, họ cho xăng có chỉ số octan của
Mỹ vào máy bay tiêm kích loại 4
của Lục quân thì tính năng của nó còn
vượt cả chiếc mustang P51. P51 được cho là máy bay chiến đấu mạnh nhất
trong chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi nghe chuyện đó, ta đã nghĩ chiến
tranh thật sự là một cuộc đọ sức toàn diện. Dù có một hay hai điểm vượt
trội cũng chẳng làm nên trò trống gì.
Mặc dù vậy, bọn ta vẫn cố gắng, nguyện dùng chút sức lực nhỏ bé của
mình, dâng hiến thân mình để bảo vệ đất nước. Suy nghĩ đó là của kẻ yêu
nước mù quáng sao?
Sau khi trở thành quân nhân dự bị cho đội cảm tử quân, ta được lái
Reisen trong khóa huấn luyện và bất ngờ vì tính năng tuyệt vời của nó khác
xa các loại máy bay tập huấn. Đây là chiếc Reisen đã bắn máy bay Mỹ rơi
rụng sao? Chỉ ngồi vào ghế điều khiển thôi cũng đã ngập tràn cảm xúc rồi.
Tuy nhiên, bài tập huấn của bọn ta là bổ nhào bằng Reisen. Đó là bài
tập huấn cho tấn công cảm tử, bài tập cho cái chết. Mang bom, tìm tàu địch
và đâm vào. Dù vậy chúng ta vẫn tham gia huấn luyện một cách nghiêm
túc. Tại sao ư? Con người là vậy mà phải không?