Ông đã được cứu. Dù vậy, khi trở lại nội địa chắc chắn sẽ phải tiếp tục
xuất kích trong đội cảm tử quân khác. Tuy nhiên, động cơ máy bay đã bị
hỏng hoàn toàn, không thể sửa lại một cách nhanh chóng.
Chiều tối hôm đó ông được thông tín viên cứ địa thông báo, đợt tấn
công hôm ấy, ngoại trừ ông, tất cả các phi công còn lại đều hy sinh.
Miyabe đã mất.
Ông cũng nghe phát Tuyên bố đầu hàng Gyokuon tại Kikaishima.
“Đó là số mệnh của ông ngoại rồi!” Chị Keiko thì thầm.
“Đó không phải là số mệnh!” Ông nói rành mạch. “Đến Kikaishima,
khi định bước ra khỏi ghế điều khiển, ông phát hiện một mảnh giấy. Trên
đó là dòng chữ viết nhanh nguệch ngoạc của Miyabe.”
“Hả?” Tôi bất giác bật thốt lên.
“Trên tờ giấy viết: Nếu thiếu úy Oishi may mắn sống sót trong cuộc
chiến này, tôi xin nhờ cậu một việc. Nếu gia đình tôi lưu lạc, sống khổ cực
đầu đường xó chợ, mong cậu hãy giúp họ. Có lẽ anh ấy đã viết nó khi quay
lại chiếc 52 một lần nữa. Điều đó không thể là ngẫu nhiên được.”
Tôi im lặng lắc đầu, khó khăn lắm mới mở miệng được. “Sao...”
Ông khẽ lắc đầu.
“Chuyện đó, ông không biết. Nhưng...” Ông nhìn tôi nói. “Ông nghĩ,
khi leo lên chiếc 52, Miyabe đã phát hiện ra động cơ không ổn. Lúc ấy,
người đó đã nhận ra trong tay mình có tấm vé sống còn của bản thân...”
Trong lòng tôi dâng lên thứ cảm xúc rất khó diễn tả thành lời. Nữ thần
số mệnh vào phút cuối lại trao cho ông Miyabe sự lựa chọn quá tàn nhẫn.
Ông Miyabe đã do dự quay về chiếc 52 một lần. Nhưng rồi, ông đã
dứt khoát trao tấm vé sống còn lại cho ông Oishi... Bên cạnh tôi, chị đang
nhìn xuống, trên má đẫm nước mắt.
Một lúc sau, ông ngoại lại khẽ kể tiếp.
Tuy nhiên, ông phải mất ba năm mới gặp được vợ Miyabe.
Nhà Miyabe ở Yokohama nhưng cả thành phố đều bị hủy hoại sau trận
không kích tháng Năm. Không có người hàng xóm nào biết tin tức của cô
ấy.