Ông quay về trường Đại học. Hễ có thời gian là ông đi hỏi thăm về vợ
của anh ấy, nhưng hoàn toàn không có tin tức gì. Hai năm sau, ông tốt
nghiệp và vào làm trong Sở đường sắt Quốc gia.
Khoảng thời gian ấy, nhiều người trong khu phố mà vợ anh Miyabe
từng sống đã quay trở về, nhưng vẫn không thấy cô ấy đâu. Ông cũng
thường xuyên liên lạc với các bạn cùng khóa, bởi ông nghĩ nếu vợ anh
Miyabe gặp khó khăn có thể sẽ liên lạc với ai đó. Vậy mà vẫn không nhận
được tin tức gì, cứ thế lại một năm nữa trôi qua.
Thời ấy, ai cũng bận rộn với cuộc sống của mình. Ông có thể quay lại
học Đại học quả là một điều may mắn. Mẹ ông là giáo viên Tiểu học ở
Tokyo nên cũng không phải khổ sở để kiếm cái ăn. Thế nhưng đó cũng
không phải một cuộc sống no đủ. Áo quần đều phải sửa từ các quân phục
cũ, áo choàng thì ông cứ mặc suốt chiếc áo anh Miyabe đã tặng.
Ông biết tin tức về gia đình Miyabe là nhờ một người bạn làm trong
Bộ Y tế và Phúc lợi. Nghe nói văn phòng cựu quân nhân của Bộ Y tế và
Phúc lợi nhận được đơn xin trợ cấp từ nhà của quả phụ Miyabe, địa chỉ ở
Osaka.
Ông tức tốc đến Osaka. Đó là mùa đông năm 1949. Khi ấy, từ Tokyo
đến Osaka phải đi mất mười mấy tiếng, bằng thời gian bay sang Mỹ bấy
giờ.
Đó là một ngày đông lạnh giá. Ông lần theo địa chỉ tìm đến, nơi ấy là
một xóm nghèo, đến độ có thể gọi là khu ổ chuột. Đó là một dãy nhà như
trại lính, cả xóm bốc lên một thứ mùi hôi thối xộc vào mũi.
Ngực ông thắt lại. Vợ con anh Miyabe, những người anh ấy sống chết
muốn bảo vệ lại phải sống nơi đây, thật quá đau lòng. Không, còn hơn cả
đau lòng, ông còn cảm thấy phẫn nộ.
Ông len vào con hẻm nhỏ. Một cô bé đang lẻ loi đứng đó, mặc bộ đồ
đầy mảnh vá, choàng thêm chiếc khăn len màu đỏ. Khi thấy gương mặt khả
ái đó, ông chợt nhớ đến gương mặt Miyabe.
“Cháu có biết nhà Miyabe ở đâu không?” Ông cất tiếng hỏi. Cô bé
quay lưng chạy đi, ông vội bước theo sau. Rồi cô bé chui vào một gian