chỉ huy. Sau đó, tại Thái Bình Dương, Hải quân Nhật đã nhiều lần bỏ lỡ các
cơ hội quyết định, đều do sự thiếu năng lực quyết đoán và sự dũng cảm của
người chỉ huy.”
Ông Ito thở hắt ra. “Ta lại nói lan man rồi, phê phán Hải quân giờ
cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta quay lại chuyện của Miyabe nào.”
Sau khi kết thúc trận không kích Trân Châu Cảng, trên đường trở về
Nhật Bản chúng ta nghe những phi công của đội chiến cơ kể lại rằng đội
không kích tấn công rất oanh liệt. Đội trực phòng vệ mẫu hạm bọn ta nghe
rất háo hức nhưng đồng thời cũng có chút đố kỵ.
Ai đó đã vô tình hỏi Miyabe. “Tàu chiến của Mỹ như thế nào?” Khi đó
Miyabe trả lời rằng “Hàng không mẫu hạm không có ở đó.”
Mọi người đều sững sờ, Miyabe không quan tâm và nói tiếp. “Ở Trân
Châu Cảng chỉ toàn tàu chiến.”
Chuyện đó thì ai cũng biết rồi. Việc không thấy bóng dáng của hàng
không mẫu hạm đã khiến đội không kích ngậm ngùi tiếc nuối. Vì thế, giờ
nói lại chuyện đó thì để làm gì.
Miyabe không màng để ý đến tâm trạng của bọn ta, nói tiếp. “Một lúc
nào đó hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ tấn công chúng ta, như chúng ta đã làm
hôm nay. Chính vì thế chúng ta đã muốn tiêu diệt hàng không mẫu hạm
trước.”
“Đúng vậy, một lúc nào đó chúng ta sẽ chiến đấu với chúng.” Ai đó
đáp.
“Chẳng phải tung đòn trước mới thú vị sao.”
Mọi người cười ồ trước câu nói đùa của ai đó. Một người trong nhóm
tự vệ nói. “Chẳng chừa phần cho bọn ta gì cả.”
“Đúng đấy. Lần sau tôi muốn tham gia đội tấn công, không phải là bảo
vệ mẫu hạm nữa.”
Các phi công trong đội phòng vệ mẫu hạm đều đồng thanh: “Đúng
vậy, đúng vậy.” Mọi người đều cười, nhưng riêng Miyabe thì không.
“Rồi ngày đó sẽ đến.” Cậu ấy lặng lẽ nói.
“Nếu ngày đó đến, mẫu hạm Mỹ sẽ dễ dàng bị đánh bại. Chẳng phải
vậy sao?”