Ai đó đáp lại, và lần đầu tiên Miyabe mỉm cười.
“Tôi cũng nghĩ vậy. Hôm nay là lần đầu tôi thẩy Kanko và Kanbaku
không kích, thực sự quá ngoạn mục. Kỹ năng của họ rất tinh nhuệ. Tôi
không rõ máy bay tấn công của Mỹ thế nào nhưng chắc không đạt đến kỹ
thuật như vậy đâu.”
Đó không phải là lời khí thế của một người anh dũng, mà do người
trầm tính như Miyabe hững hờ nói, nhưng lại làm những lời đó đầy sức hút.
Chính vì mọi người đều biết tài năng của cậu ấy nên những nhận xét đó rất
có trọng lượng. Trong lòng ta lúc ấy rất tiếc nuối vì không thể chứng kiến
cuộc tấn công của phi đội ta tại Trân Châu Cảng.
“Chúng ta sẽ thắng chứ?”
“Thật lòng mà nói, tôi nghĩ chúng ta sẽ chiến thắng áp đảo.” Miyake
trả lời.
Những lời của Miyabe đã đúng, nhưng theo một khía cạnh khác lại
sai.
Chiến hạm cơ động do Đô đốc Nagumo chỉ huy sau đó đã càn quét
Thái Bình Dương. Chiến hạm cơ động chính là hàng không mẫu hạm. So
với thiết giáp hạm thì tàu sân bay có tốc độ và tính cơ động tốt hơn nên
được gọi như vậy.
Quân ta tung hoành ngang dọc từ New Guinea ở phía Nam sang Ấn
Độ Dương ở phía Tây. Trong lúc đó, nhiều tàu địch đã bị máy bay trên tàu
sân bay đánh chìm. Đô đốc Yamamoto Isoroku đã nói: “Nửa năm là đủ để
chúng ta bành trướng.” Nó đúng là một cuộc chiến bất khả bại.
Dĩ nhiên, đội cơ động của ta cũng bị máy bay địch công kích không ít
lần, nhưng đội Reisen bảo vệ mẫu hạm đã không để cho chúng làm được
gì. Khi đó, chẳng có chiếc chiến đấu cơ nào thắng nổi Reisen. Hơn nữa, nếu
nói lực lượng phi công chiến đấu của quân đoàn Nagumo là số một thế giới
cũng không sai.
Kỹ thuật của đội tấn công gần như đến mức xuất thần. Xác suất đánh
trúng của máy bay ném bom bổ nhào khi đánh chìm tuần dương hạm và
mẫu hạm cỡ nhỏ của Anh tại Ấn Độ Dương là gần 90%.