Nếu một người được chẩn đoán tại bệnh viện là đã nhiễm “Hội chứng
biến thành sinh vật quái dị” thì từ thời điểm ấy, người đó sẽ bị coi là đã
chết. Ở cột “nguyên nhân tử vong”, bác sĩ sẽ điền tên căn bệnh. Vì họ
không thực sự chết, nên đám tang sẽ không được tổ chức, nhưng người nhà
bệnh nhân có nghĩa vụ phải tới phòng hành chính địa phương để nộp giây
khai tử. Người nào không thực hiện nghĩa vụ này sẽ bị khép tội.
Bảo hiểm nhân thọ sẽ được thanh toán cho người thụ hưởng. Ngoài ra,
người thân của bệnh nhân còn có thể yêu cầu được cấp tiền bảo hiểm trợ
cấp tử vong một lần
. Có thể nói đây là khoản tiền hỗ trợ duy nhất của đất
nước đối với người nhà bệnh nhân. Trong trường hợp cần thiết, gia đình
bệnh nhân sẽ thực hiện chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ về tài sản từ
người bệnh sang những người còn sống và khi thủ tục cho việc này được
thực hiện xong, người bệnh sẽ bị tước mất nhân quyền.
Những người rơi vào trạng thái bệnh được gọi là “người đột biến”,
nhưng quãng đời về sau người đó sẽ không bao giờ được đối xử như một
con người nữa. Cùng với việc được giải thoát khỏi mọi nghĩa vụ và bị tước
đi mọi quyền lợi, họ sẽ bị đối xử không khác gì động vật hoang dã.
Mà không, ngay cả động vật hoang dã cũng có luật bảo vệ, không cho
phép săn bắn tùy tiện. Người đột biến không có luật nào bảo vệ, nên vị thế
xã hội của họ còn thấp hơn cả động vật.
… Và rồi ở đây lại có thêm một bệnh nhân nhiễm căn bệnh “100% tử
vong”, cùng với gia đình bất hạnh của cậu ta.
“Từ kết quả xét nghiệm trên đây, tôi xác nhận rằng tình trạng của con
trai chị hoàn toàn trùng khớp với các tiêu chuẩn xác định bệnh. Thật đáng
tiếc, chị Tanashi ạ, nhưng con trai chị đã mắc “Hội chứng biến thành sinh
vật quái dị” mất rồi.”
“Thế ư?” Cô thẫn thờ đáp lại. Vừa nhìn gương mặt vị bác sĩ đang giải
thích về bệnh bằng giọng đều đều, cô vừa nghĩ, không biết giữa bệnh ung
thư và bệnh này, bệnh nào đỡ khủng khiếp hơn.