và hành động, có thể thản nhiên bắt nạt kẻ yếu thì có gì là “sáng sủa” chứ?
Những người hiền hòa, thích thu mình lại suy nghĩ tại sao lại bị gán cho
chữ “u ám” chứ?
Trong lòng cậu, những suy nghĩ oán hận cứ lớn mãi lên. Lần này đã là
lần thứ mấy cậu tuyệt vọng về con người rồi. Vừa tắt đèn trong phòng, cậu
như bị cướp mất sinh lực, nằm vật ra giường.
Họ không hiểu gì về cậu, vậy mà luôn dễ dàng dùng câu chữ để làm
tổn thương cậu. Đã vậy, nhiều kẻ trong số họ còn không biết rằng mình
đang làm tổn thương cậu nữa. Thậm chí có những kẻ còn nghĩ mình là
người bị hại.
Nhưng kẻ quá đáng nhất trong số họ lại là mẹ cậu.
Mẹ cậu luôn ca thán về tình trạng hiện tại của cậu, rồi trở nên bi quan
và thường xuyên vừa nói vừa khóc. Nào là “Tại sao lại đến cớ sự này”, nào
là “Mẹ đã quá nuông chiều con”, rồi thì “Mẹ đã sai lầm trong cách nuôi dạy
con”.
Tôi có lỗi gì đâu, thế nhưng con trai tôi không thể trở thành một người
bình thường, tôi thật đáng thương. Rõ ràng là mẹ chỉ yêu bản thân mình,
vậy mà luôn miệng nói như thể đang lo lắng cho cậu và luôn tìm cách điều
khiển cậu theo ý mình.
Cậu vẫn nghĩ tình trạng giam mình trong phòng của bản thân chưa
nghiêm trọng. Bởi cậu vẫn ra khỏi phòng mình, và tới bữa cơm vẫn cố gắng
xuống bàn ăn cùng bố mẹ.
Cậu cố gắng gạt bố mẹ ra khỏi suy nghĩ của mình. Không tiếp xúc ánh
mắt, không nhìn mặt. Nói chuyện cũng không… Bởi nếu trò chuyện, tiếp
xúc với họ, cậu sẽ rất khổ sở. Hễ mở miệng là cả bố và mẹ cậu liền nói
những lời phủ định hoặc kêu ca, họ chỉ nói những lời khiến dạ dày cậu
quặn thắt.
“Cứ thế này thì anh xấu hổ với hàng xóm láng giềng lắm.” - Những lời
lẽ chứng tỏ họ quá để ý tới miệng đời.