trong hình trước khi qua đời đã bảo con trai ông ấy mang đến cho mẹ anh
một vật kỷ niệm, anh cũng mới giữ nó gần đây thôi.”
Anh rút hộp gỗ đựng tấm huy chương trong túi áo ra đưa cho Nghê Xuân
Yến, nói: “Đây, chính là thứ này!”
Nghê Xuân Yến luống cuống nhận lấy, hơi mở ra nhìn rồi đóng lại ngay và
trả cho Mục Dục Vũ, bộ dạng giống như nhìn thấy một bí mật ghê gớm vậy.
Mục Dục Vũ buồn cười hỏi cô: “Sao? Bàng hoàng quá hả?”
Nghê Xuân Yến cảm khái, nói nhỏ: “Em cảm thấy mẹ anh không thiệt thòi,
người đàn ông bà nhớ nhung cũng nhớ bà, hai người họ đều không thiệt
thòi.”
“Có thiệt thòi hay không cũng khó nói, anh chỉ biết đây không phải cách làm
của anh.” Mục Dục Vũ dang tay ôm cô, nở nụ cười. “Đến chết rồi mới muốn
chôn thứ này cùng người thì có tác dụng gì, người sống đã không vui thì
chết có yên lòng không?”
Nghê Xuân Yến dần đỏ mặt, nghĩ ngợi rồi trừng mắt với anh vẻ không cam
tâm, hừ giọng: “Đó là mẹ anh đây, nói kiểu gì thế?”
Mục Dục Vũ nhướn mày, không nói gì.
Hôm nay là mùng Một Tết, các công nhân đều làm việc với tiền lương gấp
mấy lần nên chỉ trong chốc lát họ đã mở mộ ra. Trợ lý Lâm đến mời Mục
Dục Vũ đi thỉnh hộp tro, Mục Dục Vũ bảo chị em họ đứng cạnh bên đợi,
còn anh chỉnh trang phục, tiến đến đó. Anh quỳ xuống trước bia mộ Mục
Giác, dập đầu ba cái rồi đứng dậy, vòng qua phần sau mộ, quỳ xuống, hai
tay nâng hộp tro của Mục Giác lên, mở ra, trịnh trọng đặt tấm huy chương
chiến công vào trong hộp, rồi đóng nắp lại đàng hoàng, đặt vào chỗ cũ.
Lúc anh đứng lên vì hơi đột ngột quá nên trước mắt chợt tối sầm, chân loạng
choạng. Mục Dục Vũ quay lại, cười khổ với tấm hình Mục Giác, nói: “Mẹ,
con chỉ nói mấy câu về chuyện của mẹ, có cần mẹ nổi giận thế không?”