bị suy vong vậy. Tiên đế khi còn sống, mỗi lần cùng với thần đàm luận,
không khỏi không than thở đau xót cùng Hoàn Linh.
Những Thị trung, Thượng thư, Trưởng sử, Tham quân đều là những kẻ bề
tôi trung trinh đến chết, nguyện vì Bệ hạ mà bày tỏ tín nghĩa thì sự phục
hưng nhà Hán, khá có thể thấy rõ.
Thần vốn áo vải, đem thân cày bừa ở Nam Dương, lo toan tính mệnh ở đời
loạn, chẳng cần nổi tiếng với chư hầu. Tiên đế không xem thần là tầm
thường, đem lòng chiếu cố, ba lần tìm đến nơi lều cỏ, bàn bạc với thần về
việc đương thời, bởi thế mà rất cảm kích, nguyện theo phò Tiên đế. Đã
nguyện đem hết lòng cố gắng, nhận việc giữa lúc quân thua tướng bại,
phụng mệnh trong khi nguy nan, đến nay đã được 21 năm.
Tiên đế biết thần cẩn thận, nên trước lúc lâm chung có trao cho thần việc
đại sự. Từ lúc phụng mệnh đến nay, ngày đêm lo lắng, sợ phụ lại sự ủy thác,
làm tổn hại đến trông mong của Tiên đế, nên tháng 5 vượt sông Lô, vào sâu
đất không cây. Nay phương nam đã định, binh pháp đã đủ, đương khi ba
quân phấn khích, nghĩ rằng cần phải bắc định Trung Nguyên, dốc hết nỗ lực
bản thân, diệt trừ gian thần, phục hưng nhà Hán, trở lại cố đô, như thế thần
báo đáp được Tiên đế mà cũng tỏ được lòng trung với chức phận mà Bệ hạ
đã giao. Còn như châm chước lợi hại, bày tỏ lời trung thành, thì đã có
Quách Du Chi, Phí Vỹ đảm nhiệm vậy. Những mong Bệ hạ ủy thác để thần
được bắc phạt, phục hưng nhà Hán thành công; nếu không thành công, thì
thần xin chịu tội để báo cáo cùng vong linh Tiên đế. Nếu như việc không
tiến triển thì cứ trách cứ lỗi của Du Chi, Phí Vỹ, Đổng Doãn; Bệ hạ nêu
khiêm nhường, lắng nghe điều thiện, làm theo điều phải, thực hiện di chiếu
của Tiên đế, thần không ngừng chịu ơn cảm kích, nay đương ở nơi xa xôi
dâng biểu mà khóc chẳng thể nói hết lời”.
Qua “Xuất Sư Biểu”, chúng ta có thể thấy Gia Cát Lượng đối với việc bắc
phạt có tin tưởng rất lớn, tuyệt đối chẳng phải là một việc khổ hạnh chẳng
thể đừng. Trái lại, ông lo lắng chẳng phải ở tiền tuyến mà là ở quốc nội.
Lưu Thiện đích xác là “A Đẩu vực chẳng nổi”, yếu đuối không có năng lực,
đầu óc chẳng sáng suốt, thích thân gần với kẻ phục dịch bên mình, còn đối
với những đại thần vẫn nói đạo lý, dám can ngăn thì vẫn “kính mà xa đấy”.