sống như một tên nô lệ sẽ chấm dứt. Tôi có cảm tưởng rằng chính tai nạn
kia đã trả tự do lại cho tôi.
Phải mất gần nửa giờ đồng hồ mẹ mới băng bó xong vết thương cho
tôi. Chẳng có chút đau xót thương hại nào trong ánh mắt của bà ấy. Tôi cứ
nghĩ rằng, ít ra bà ấy cũng dỗ dành tôi bằng một giọng nói dịu dàng chứ.
Sau khi đưa mắt nhìn tôi vô cảm, mẹ đứng dậy, rửa tay và nói với tôi rằng
giờ thì tôi có ba mươi phút để rửa cho xong đống chén đĩa. Tôi trố mắt ngỡ
ngàng, cố hiểu xem bà ấy vừa nói gì. Nhưng chỉ vài giây sau đó, tôi hiểu
ngay thông điệp của mẹ. Tương tự như vụ tai nạn tôi bị gãy tay vài năm
trước, mẹ chẳng màng quan tâm đến những gì đã xảy ra.
Tôi không có thời gian để tự xót thương mình hay than vãn. Đồng hồ
vẫn gõ từng nhịp, từng nhịp. Tôi đứng lên, lảo đảo một lúc, rồi cứ nhắm
hướng nhà bếp mà đi. Cứ mỗi bước chân, vết thương của tôi lại nhói đau
đến tận xương cốt. Máu chảy thấm ướt cả cái áo tách tươm tôi đang mặc.
Ngay khi lết được bên bồn rửa chén, tôi tựa cả người vào đó và thở hổn hển
như một con chó già tội nghiệp.
Đứng trong nhà bếp, tôi nghe thấy tiếng cha đang lật sột soạt mấy tờ
báo trong phòng khách. Nhịp thở của tôi trở nên gấp gáp và khó nhọc vì
đau đớn. Tôi chỉ hy vọng mình có thể đến được chổ cha đang ngồi. Nhưng
tôi thấy mình bắt đầu khó thở, và chừng như đã quá đuối sức, tôi ngã luôn
ra sần. Sau đó tôi hiểu mình chỉ nên hít vào và thở ra những hơi thật ngắn
mà thôi. Tôi lại cố hết sức lết vào phòng khách. Vị anh hùng của tôi đang
ngồi trên chiếc ghế trường kỷ. Tôi biết cha sẽ để mắt đến mẹ và đưa tôi đến
bệnh viện. Tôi đứng xiêu vẹo trước mặt cha, chờ ông ấy lật sang trang báo
mới và nhìn thấy tôi. Khi ông ấy vừa ngẩng lên nhìn tôi, tôi lắp bắp:
- Cha ơi!... Mẹ... Mẹ... Mẹ đâm con...
Tôi hơi sững sờ vì ông ấy thậm chí còn không có cả một cái nhíu mày.