giây phút đã chờ đợi bao lâu giờ đây mới tới, cái giây phút chiến thắng mà
ông đã nhắc, tôi nhớ, từ khi ở nhà máy gạch. Và đúng là cũng chỉ đến lúc
này, tôi cũng không biết tại sao lần đầu tiên tôi có cảm giác thiếu hụt nhất
định, lúc này lần đầu tiên tôi thấy hơi tiếc là mình không biết cầu nguyện – ít
nhất là một vài câu – bằng tiếng Do Thái.
Nhưng cả sự ương ngạnh, cả cầu nguyện và bất cứ sự trốn chạy nào cũng
không giải thoát tôi khỏi một điều: đó là cái đói. Ở nhà, tất nhiên tôi cũng đã
từng đói – hay ít ra là tôi tin thế; tôi đã đói trong một nhà máy gạch, trên tàu
hỏa, ở Auschwitz và cả Buchenwald nữa – nhưng cảm giác đói thế này, liên
tục và kéo dài, phải nói là tôi chưa hề biết đến. Tôi đã biến thành một cái hố
sâu, một vực thẳm nào đó, và mọi cố gắng của tôi đều hướng tới việc chấm
dứt, lấp đầy, bịt miệng cái vực thẳm không đáy, càng lúc càng đòi hỏi này.
Mắt tôi, toàn bộ tri giác tôi cũng là để làm việc này, việc này chỉ đạo mọi
hành động của tôi, và nếu như tôi chưa ăn gỗ, sắt, hay đá sỏi, chỉ là vì không
thể nhai nổi và tiêu hóa nổi những thứ đó. Nhưng tôi đã thử ăn cát, và nếu
nhìn thấy cỏ, không khi nào tôi chần chừ – có điều đáng tiếc là tôi không
nhìn thấy cỏ cả trong khu nhà máy và trong trại. Chỉ vì một nhánh hành nhỏ
người ta đòi đổi hai lát bánh mì, và những người may mắn khấm khá hơn
cũng bán một củ cải đường hay củ cải thường để lấy chừng ấy bánh mì, tôi
thường thích loại sau hơn, vì chúng nhiều nước hơn và đa số kích thước
cũng lớn hơn, mặc dù những người am hiểu thì cho rằng củ cải đường có giá
trị hơn, chất lượng và bổ hơn, nhưng ai mà còn kén chọn nữa, dù chúng dai
và có vị cay không dễ chịu lắm với dạ dày. Thành ra tôi tạm bằng lòng với
chúng, và cũng có chút an ủi, vì ít ra là những người khác cũng ăn. Bữa trưa
của lính gác bao giờ cũng được đưa vào nhà máy cho họ, và tôi không thể
rời mắt khỏi những người này. Nhưng tôi có thể nói họ không mang lại cho
tôi nhiều niềm vui: họ ăn nhanh, chẳng cần nhai, họ ăn ngấu nghiến, tôi thấy
thực ra họ chẳng có khái niệm gì về việc họ đang làm. Một lần khác, lúc tôi
ở cùng đội làm trong xưởng, và ở đây một tay thợ mở đồ ăn mà ông ta mang
từ nhà đến, và – tôi nhớ – tôi đã nhìn rất lâu một bàn tay màu vàng nổi đầy
gân đang lấy trong lọ thủy tinh dài ra những quả đỗ xanh, từng miếng một,
thấy lóe lên một điều gì đó mong manh, có thể là chút hy vọng mơ hồ.