đó, và khi tôi mở mắt ra nhìn, thì đến lượt bác Sütő. Trên khuôn mặt nâu,
tròn vạnh của bác Sütő – với hàng ria mép mỏng, hai chiếc răng cửa trắng to
bản cách nhau một khe hẹp – chỗ nào cũng thấy những đốm nắng nhảy nhót,
như những mụn nhọt đang lên. Câu tiếp theo lại là cha tôi nói, ông nói về
một thứ “hàng hóa” gì đó, mà “tốt hơn hết” là bác Sütő nên “đem ngay về.”
Bác Sütő không phản đối; thế là cha tôi lấy từ ngăn kéo bàn ra một cái gói
nhỏ, bọc giấy lụa và có buộc dây. Chỉ lúc đó tôi mới biết họ nói về thứ hàng
gì, vì tôi nhận ra ngay cái gói nhờ độ dày của nó: trong gói là một cái hộp.
Trong hộp là các đồ trang sức quan trọng nhất của chúng tôi và những thứ
đại loại như vậy; quả thực, tôi nghĩ chính vì sự có mặt của tôi mà họ gọi nó
là “hàng hóa,” kẻo tôi nhận ra. Bác Sütő nhét ngay cái gói vào cặp. Tuy
nhiên sau đó có một cuộc tranh cãi nho nhỏ đã diễn ra giữa họ, bởi vì bác
Sütő lấy cây bút máy của bác ra, và nhất quyết đòi viết giấy “biên nhận
hàng” để đưa cho cha tôi. Bác năn nỉ mãi, mặc dù cha tôi bảo bác đừng “làm
trò trẻ con” nữa, và “giữa chúng ta với nhau không cần phải làm thế.” Tôi
nhận thấy bác Sütő rất hài lòng vì việc này. Bác bảo: “Tôi biết ông tin tôi,
ông chủ ạ, nhưng trong cuộc sống mọi thứ phải có lề lối và cách thức của
nó.” Bác còn nhờ cả mẹ kế tôi giúp: “Có đúng thế không, thưa bà?” Nhưng
mẹ kế tôi, với nụ cười mệt mỏi trên môi, chỉ bảo đại khái bà tùy cánh đàn
ông giải quyết vấn đề với nhau cho thỏa đáng.
Tôi thấy hơi chán, cuối cùng bác Sütő cũng cất cây bút máy; rồi họ
chuyển sang bàn tính sẽ làm gì với số ván gỗ trong cái kho này. Tôi nghe
thấy cha bảo phải gấp lên, trước khi nhà chức trách “có thể nhúng tay vào
chuyện làm ăn,” và cha yêu cầu bác Sütő, bằng kinh nghiệm buôn bán và
hiểu biết chuyên môn của mình, giúp mẹ kế tôi trong việc này. Bác Sütő
quay về phía mẹ kế, tuyên bố ngay: “Đó là lẽ đương nhiên, thưa bà. Bởi
đằng nào chúng ta cũng liên hệ thường xuyên với nhau để thanh quyết toán.”
Tôi nghĩ ông nói về cơ sở mà ông đang trông nom. Một lúc lâu sau ông bắt
đầu chia tay. Ông nắm tay cha tôi khá lâu, mặt méo xệch đi. Tuy nhiên ông
cho rằng “trong giây phút như thế này có nói gì cũng bằng thừa,” và vì thế
ông chỉ nói một câu tạm biệt duy nhất với cha tôi, đó là: “Mong sớm được
gặp lại, thưa ông chủ.” Cha tôi hơi mỉm cười, miệng như méo đi: “Hy vọng