5.
Có lẽ không một tù nhân nào – tôi nghĩ – ban đầu lại không có chút
ngạc nhiên trong tình hình này: trên khu sân mà chúng tôi ra sau khi tắm dở
dang, lúc đầu bọn con trai chúng tôi nhìn nhau, ngắm nghía và xoay nhau
khá lâu. Tôi còn chú ý đến một người đứng gần, nom bề ngoài còn trẻ, anh
ta xem xét, sờ nắn từ đầu đến chân bộ quần áo trên mình một cách kỹ lưỡng,
gần như bần thần, cứ như anh chỉ muốn biết về chất lượng vải, cũng như về
mức độ thật của nó. Sau đó anh ta nhìn lên, như người muốn nói một điều gì
đó, nhưng khi thấy xung quanh cũng chỉ có một kiểu quần áo ấy, cuối cùng
anh im lặng – ít nhất là trong lúc ấy, đương nhiên có thể lầm lẫn, nhưng tôi
cảm thấy như thế. Dù cái đầu trọc và bộ quần áo tù hơi cộc bởi cái dáng cao
cao, tôi vẫn nhận ra, từ nét mặt gầy xương của anh, đó là anh chàng đang
yêu, người cách đây một giờ – vì chừng ấy thời gian đã trôi đi từ khi chúng
tôi tới đây đến khi thay đổi vẻ bề ngoài – khó nhọc lắm mới buông cô gái
tóc đen khỏi tay mình. Nhưng tôi bỗng cảm thấy rất ân hận vì một điều gì đó
ở chỗ này. Khi còn ở nhà có lần tôi đã lấy hú họa từ trên giá xuống một cuốn
sách nằm kín đáo hơn, đầy bụi bặm – tôi nhớ – đã từ lâu không đọc. Tác giả
cuốn sách là một người tù, sau đó tôi cũng không đọc hết, vì không theo kịp
luồng suy nghĩ của tác giả, hơn nữa các nhân vật đều có tên dài lê thê, ít nhất
gồm ba thành phần không thể nhớ nổi, và cuối cùng vì tôi chẳng quan tâm
tẹo nào, hơn nữa thú thực tôi còn hơi ngán cuộc sống của các tù nhân: thế là
đến lúc cần thì tôi mù tịt. Tôi chỉ còn nhớ rằng người tù, tác giả của cuốn
sách này, theo khẳng định của ông, nhớ đến ngày đầu tiên ở tù – nghĩa là
ngày đã cách xa hơn – kỹ hơn là nhớ đến những ngày sau đó – nghĩa là
những ngày gần với thời điểm ông viết cuốn sách hơn. Khi ấy tôi cho rằng
điều này khá mơ hồ, thậm chí còn hơi phóng đại. Thế mà giờ đây tôi nghĩ có
thể ông đã viết sự thật: bản thân tôi cũng nhớ đến hai ngày đầu tiên chính
xác hơn những ngày tiếp sau.