các chậu rửa bằng đá có nước nhỏ ra, phun ra hay ít nhất rỉ ra suốt ngày qua
các lỗ trên đường ống, và kể từ khi rơi vào nhà máy gạch, lần đầu tiên đã
xảy ra chuyện kỳ lạ ở đây là tôi có thể uống nếu khát, thâm chí ngay cả khi
nào bỗng thấy hứng lên muốn uống. Ở Buchenwald cũng có Crematorium,
dĩ nhiên, nhưng tất cả vỏn vẹn có một, và nó cũng không phải là mục đích,
bản chất, linh hồn, ý nghĩa của trại này – tôi có thể khẳng định như vậy – mà
người ta chỉ dùng nó để thiêu người đã chết trong trại, trong những điều kiện
sống bình thường của trại. Tại Buchenwald – có lẽ lời đồn này bắt nguồn từ
những tù phạm cũ và cũng truyền đến tôi – phải thận trọng nhất với mỏ đá,
mặc dù người ta nói thêm, bây giờ nó gần như đã hết hoạt động, chứ không
như ngày trước, lúc họ còn làm việc trong đó. Trại này, tôi được biết, đã hoạt
động bảy năm nay, nhưng còn có những trại cũ hơn nữa, trong số đó tôi
được làm quen với những cái tên như “Dachau”
, hay “Oranienburg”
và
“Sachsenhausen”
. Cũng vào thời gian đó tôi đã hiểu nụ cười có vẻ bao
dung khi nhìn thấy chúng tôi trên gương mặt của một vài nhân vật khả kính
ăn vận chu tất đứng phía bên kia hàng rào thép gai, trên người họ tôi nhìn
thấy những con số mười ngàn, hai mươi ngàn, cả những số có bốn và ba chữ
số. Tôi được biết gần trại chúng tôi là thành phố Weimar, một nơi nổi tiếng
về văn hóa, giáo dục mà tất nhiên về tiếng tăm của nó tôi đã được học từ khi
còn ở nhà: tại đây, bao nhiêu người đã sống và sáng tạo, trong đó có một
người mà thi phẩm “Wer reitet so spät durch Nacht und Wind
”
của ông tôi
đã thuộc lòng, và – như người ta đồn – cái cây tự tay ông trồng – từ đó đến
nay đã thành cổ thụ, được gắn bảng tưởng niệm và quây rào thép gai để
ngăn cách chúng tôi, những tù phạm – cũng nằm đâu đó trong khu trại
chúng tôi – người ta bảo thế. Nói tóm lại không khó chút nào để hiểu được
những gương mặt ở Auschwitz ấy: công bằng mà nói thì chẳng bao lâu sau
tôi cũng đã thích Buchenwald.
Zeitz, hay đúng hơn là trại tập trung mang tên địa danh này, cách
Buchenwald một đêm đi tàu hàng, sau đó thêm hai mươi phút đi bộ, có lính
áp tải trên con đường chạy qua những ruộng cày được chăm sóc cẩn thận,
những phong cảnh làng quê, như chính tôi đã có cơ hội trải nghiệm. Giờ đây,
ít nhất chỗ này sẽ là nơi an cư cuối cùng dành cho chúng tôi – người ta đảm