không nói lên lời. Xe kia có Vaxili Pêtrôvits và Pêchya cùng với những
chiếc túi leo núi và những chiếc ba lô bằng vải kê ô vuông căng phồng.
Những kẻ vô công rồi nghề ở ngoài đường xúm quanh hai chiếc xe,
bàn tán ầm ĩ. Đunhya mặc bộ áo váy mới bằng vải diềm bâu, vừa khóc vừa
đưa tạp dề lên lau mắt. Vaxili Pêtrôvits vỗ vào hai túi áo vet-tông bằng vài
tuyt-xo, soát lại xem có quên cái gì không, ông bỏ chiếc mũ rơm có băng
đen, làm dấu thánh và nói, cố lấy giọng vui vẻ:
- Lên đường!
Đám đông dãn ra, xe chuyển bánh, Còn Đunhya òa khóc càng to hơn.
Pêchya vẫn luôn có cảm giác rằng mình đã ở nước ngoài. Muốn đến
cảng, phải qua suốt thành phố, vượt qua khu trung tâm - khu buôn bán giàu
nhất! Mãi đến giờ. Pêchya mới để ý thấy thành phố đã thay đổi nhiều biết
bao trong mấy năm qua. Các khu ngoại ô vẫn giữ nguyên bộ mặt tỉnh lẻ của
một thành phố phía nam Nôvôrôxxya: những căn nhà nhỏ, tường bằng đá
vôi sò hến, mái lợp ngói đỏ, sân có những cây hạt dẻ và cây dâu tằm, những
quán cà phê Hy-lạp, những cửa hàng thuốc lá, những nhà hầm chứa rượu
với cây đèn treo màu trắng hình chùm nho ở cửa vào.
Đến khu trung tâm thì không khí “tư bản Châu Âu” đã bao trùm khắp
nơi. Ở mặt trước các nhà băng và các công ty cổ phần lấp lánh những tấm
biển thủy tinh màu đen với những dòng chữ vàng nghiêm nghị, của tất cả
các thứ tiếng châu Âu. Trong các phòng nửa chìm nửa nổi của nhà in, máy
in quay rú ầm ầm và máy sắp chữ li nô chạy rào rào.
Vượt qua phố Hy-lạp, xe dừng lại, những người đánh xe sợ hãi ghìm
ngựa, để cho cỗ xe điện khá mới vượt qua, con chạy của xe điện chốc chốc
lại tóe ra tia lửa lẹt sẹt. Đấy là tuyến xe điện đầu tiên do công ty cổ phần
của Bỉ làm ở giữa trung tâm thành phố và khu triển lãm công thương mới
khai trương trên khu đất trống sau công viên Alexandra.
Kia là tiệm cà phê Fakôni đồ sộ kiểu Châu Âu, ở đó theo phong cách
Pari, ngay trên vỉa hè, dưới những mái lều vải bạt, giữa những thùng gỗ với