những cây nguyệt quế, có những tay giao dịch đội mũ rơm mềm và những
tay buôn bột mì ngồi quanh những chiếc bàn con bằng đá cẩm thạch. Tới
góc phố Lavgrêrôn và Ekatêrin, ngay trước tiệm cà phê Fakôni, một chiếc ô
tô “Điôn-Butôn” suýt đâm vào chiếc xe của bác với Pavlik. Người lái chiếc
ô tô này là người thừa kế của hãng buôn “anh em Ptasnikôp” nổi tiếng, đấy
là một gã trẻ tuổi to béo đến kì quái đội chiếc mũ hội viên hội du thuyền,
nom gã giống như con lợn Ioocsai ở triển lãm.
Tinh thần “chủ nghĩa tư bản châu Âu” chỉ chấm dứt khi bố con Bátsây
bắt đầu xuống cảng và đi qua một quán ăn rẻ tiền, một nhà trọ đêm, qua
những chỗ trú hôi hám có những con người khủng khiếp, mặt sạm như đất,
quần áo rách rưới, cũng màu đất, nằm ngủ ngay trên mặt đất, hay chơi bài
trong bóng tối nhá nhem, những người được gọi là “bọn chân đất”. Tuy
nhiên, tinh thần châu Âu chấm dứt không lâu, bởi vì liền sau đó, nó lại xuất
hiện: những nhà kho màu xám lợp tôn gấp nếp, những hãng buôn, những
chồng hòm gỗ và bao bì cao ngất, giống như cả một thành phố với phố xá
và ngõ hẹp, và cuối cùng là tàu thủy của các nước và các công ty.
Sau khi hỏi người nhân viên kiểm dịch, được biết tàu “Palermô” của
Lơloiđơ Italonô lấy hàng ở đâu, xe đi đến cuối đập chắn sóng của bến, và
dừng lại cạnh một chiếc tàu rất to có treo lá cờ Ý tuyệt đẹp ở đuôi tàu,
nhưng hai thằng bé thất vọng thấy tàu chỉ có một ống khói.
Đúng là gia đình Batsây đến sớm quá, còn ngót một tiếng rưỡi nữa
mới nổi còi lần thứ ba.
Người ta đang gấp rút chuyển hàng xuống tàu, và cần của những máy
trục khỏe bằng hơi nước quay về mọi phía, dùng dây xích hạ xuống hầm
tàu những chiếc hòm nặng trăm put và cả từng bó thùng chằng buộc với
nhau. Hành khách vẫn chưa được xuống tàu, và cũng chẳng có khách, trừ
một đám người mua vé đi trên boong đầu họ quấn khăn không rõ là người
Thổ-nhĩ-kỳ hay người Ba-tư, lầm lì, ngồi không nhúc nhích trên những bó
hành lí bọc trong những tấm thảm.