Bây giờ đã nhìn thấy Langiêrôn, công viên Alêcxanđrơ, di tích của
bức tường cổ nổi tiếng của nó với những cổng tò vò, và bên cạnh là khu
triển lãm công thương: cả một thành phố những gian trưng bày rắc rối,
trong đó nổi bật hẳn lên là cái ấm xamôva bằng gỗ, cao bằng tòa nhà ba
tầng của hãng chè Karava và chai sâm banh “Rêdenơ” màu đen, cổ chai
viền vàng.
Ở khu triển lãm, dàn nhạc giao hưởng đang hòa tấu, gió chiều thổi bay
phần phật hàng trăm lá cờ màu trên những cột trắng, khiến cho trên tàu đôi
khi cũng nghe thấy cơn bão tiếng vĩ cầm long trọng ấy, tuy âm thanh có bị
yếu đi vì vượt qua khoảng cách.
Pêchya không rời khỏi boong tàu, phấn chấn vô cùng vì được ra biển.
Điều duy nhất làm u ám phần nào niềm vui của nó là dải băng đeo huân
chương thánh Gioocgiơ nằm trong túi viên sĩ quan biên phòng. A, lúc này
có dải băng ấy thì tuyệt biết bao!
Gió mạnh lên, lá cờ Ý ở đuôi tàu tung bay phấp phới, nom thực là đẹp,
và thằng bé đau lòng tưởng tượng thấy hai cái đuôi dài của dải băng huân
chương bay phần phật trước gió (ôi, nếu vậy thì tuyệt quá!)
Nhưng không có dải băng đó thì gió biển mát rượi cũng đã làm cho
Pêchya gặp khối chuyện rầy rà về quần áo của nó. Gió vò nhàu cái cổ áo
thủy thủ của Pêchya, thổi phồng lưng áo và làm căng phồng hại ống tay cài
khuy. Còn cái mũ bây giờ không có dải băng khéo mà lại hóa hay: có thể
tạm coi nó là chiếc mũ bê-rê của chú thuyền trưởng mười lăm tuổi trong
tiểu thuyết của Juyn Vécnơ, nhưng nó có ưu thế hơn cái mũ bê-rê ấy: ở
trong lần lót của nó có lá thư.
Như muốn làm cho Pêchya càng vui sướng hơn trong cái ngày tuyệt
diệu ấy, số phận còn tặng cho chú một kỷ niệm không thể nào quên được:
- Xem kìa, xem kìa: nó bay! -Pavlik bỗng reo lên.
- Bay ở đâu? Cái gì?