Pêchya đã thấy những đống quần rách rưới kiểu phương đông bẩn
thỉu, mấy gia đình Thổ-nhĩ-kỳ nằm và ngồi trên đó, người nào cũng phờ
phạc vì tàu lắc, vì không khí ngột ngạt, vì tiếng máy ồn ào. Họ đi đâu
không rõ cùng với trẻ con, với những ấm cà phê bằng đồng và những con
gà con trong những lồng gỗ lớn.
Pêchya phải khó nhọc mới lên được boong thượng, ra chỗ không khí
biển thoáng mát; và mãi vẫn chưa bình tâm lại được.
Đối với hành khách loại một và loại hai thì sinh hoạt trên tàu theo một
thời biểu qui định chặt chẽ: tám giờ, bà hầu phòng đứng tuổi đội mũ hồ bột
vào buồng tàu và nói bằng giọng trầm: “Bu-ôn jornô” rồi đặt khay cà phê
và bánh mì tròn lên bàn; giữa trưa và sáu giờ chiều, người hầu bàn chạy
trong hành lang, chân bước êm ru, chiếc khăn cặp dưới nách, lần lượt gõ
cửa các buồng tàu, lớn tiếng nói liến thoắng bằng tiếng Ý commedia dell
arte, âm “r” rụng rất mạnh:
- Pr-rego. xinhor-r-ri, mangia-r-rê” - nghĩa là “xin mời dùng bữa”.
Đối với hành khách loại nhất, còn có thêm bữa trà năm giờ và bữa tối
muộn. Nhưng gia đình Bátsây thuộc lớp trung lưu báu ngọc của nhân loại,
tức là loại đi vé hạng hai, nên không được hưởng sự ưu đãi ấy.
Điều đó để lại dư vị cay đắng trong tâm hồn, đặc biệt là Pêchya và
Pavlik: hành khách loại nhất thì sau món tráng miệng, còn được xơi bánh
ngọt rất ngon, đôi khi cả kem, còn hành khách loại hai thì chỉ được tráng
miệng bằng pho mát và hoa quả.
Khách loại một và loại hai ăn ở những phòng khách khác nhau. Ngồi
chủ trì ở bàn khách trong phòng loại hai là thuyền phó thứ nhất, còn trong
phòng khách loại nhất thì người chủ trì chính là thuyền trưởng, một nhân
vật mà người trần mắt thịt không thể gần được, vì vậy là một nhân vật bí
ẩn: ngay cả đứa láu cá như thằng Pavlik cũng chỉ nhìn thấy ông ta có mấy
lần trong một chuyến đi.