Pêchya mau chóng mặc quần áo và chạy lên tầng trên. Ở boong
thượng, đứng bên cạnh thuyền trưởng là người hoa tiêu Thổ-nhĩ-kì đội mũ
fê đỏ, còn tàu thì lướt hết sức chậm, lách vào cái lạch hẹp của Bôxfo. Cái
lạch khi thì rộng ra, khi thì hẹp lại như một khúc sông ngoằn ngoèo. Đôi
khi bờ tiến sát gần tàu đến mức Pêchya có cảm giác rằng có thể với tay đến
bờ và sờ vào những cột bia mộ của cái nghĩa địa Hồi giáo, những cột bia
trăng trắng, dựa lộn xộn và ngả nghiêng giữa những cây bách đơn, có thể
sờ vào lá cờ đỏ như hoa anh túc có hình trăng khuyết ở phía trên sở thuế
quan, hay vào thảm cỏ ở pháo đài của khẩu đội bảo vệ bờ biển.
Đấy là Thổ-nhĩ-kì, một nước ngoài, đất khách quê người, và cùng với
cảm giác tò mò, Pêchya bỗng cảm thấy lòng cuộn dâng lên một nỗi buồn
nhớ quê hương da diết trong giây lát, nỗi buồn trước kia chưa từng có, và
cảm giác ấy còn mãi cho đến khi Pêchya trở về nước Nga.
Mặt trời đã lên khá cao, ánh nắng nóng rực hắt lên từ mặt nước rọi
chiếu khắp con tàu, từ đường mớn nước cho đến ngọn cột buồm suốt trong
thời gian tàu vào Zôlôtô Rôc và dừng lại ở vũng Côngxtangtinôpga.
Từ phút ấy, gia đình Bátsây mắc một loại chứng điên rồ mà tất cả các
du khách chưa có kinh nghiệm đều mắc phải. Họ muốn không để mất một
phút quí báu nào, lập tức đi thăm tất cả các thắng cảnh - không trừ một
thẳng cảnh nào - của cái thành phố duy nhất trên thế giới này. Thành phố
chạy dài, người đi lại đông như kiến trong ánh nắng lấp lánh nóng nực, toàn
cảnh ấy nom rất gần, ngay trước mắt, với những mái vòm của những nhà
thờ Hồi giáo trống thấp lè tè nhưng thực ra rất cao, xung quanh có những
ngọn tháp thánh đường.
Bỏ bữa ăn sáng và sau khi đã giúi cho tên viên chức Thổ-nhĩ-kì xảo
quyệt mấy đồng tiền bạc, nóng lòng sốt ruột chờ mãi mới được y đóng vào
hộ chiếu một cái dấu gì đó (thì ra đó là biểu hiện của Oxman), gia đình
Bátsây xuống cái thang phía ngoài và bị xô đẩy mỗi người một nơi bởi đám
phu thuyền nom như tướng cướp cả lũ. Nhưng rốt cuộc họ cũng xuống