- Ba ơi. Thế Tơroa ở đâu? Chúng ta sẽ thấy Tơroa chứ ạ? - Pêchya hỏi
giọng hồi hộp.
- Than ôi, anh bạn của tôi ạ - ông bố nói - Tơroa đã ở mãi tít đằng sau
rồi, gần Đarđanen kia, con với Pavlik sẽ không bao giờ còn thấy Tơroa
nữa... - Và để cho con một bài học, ông nói thêm nhằm ám chỉ cái việc
đáng buồn do bánh kẹo ngọt phương Đông gây ra - Thói tham lam và háu
ăn bao giờ cũng bị trừng phạt nặng nề như thế đấy.
Điều đó dĩ nhiên là đúng, nhưng Pêchya vẫn cảm thấy số phận quá tàn
bạo, tước đoạt mất của hai đứa cái hạnh phúc được chính mắt nhìn thấy
Tơroa, mà duyên do chỉ vì món rahat-lukum chết tiệt nọ.
Tuy nhiên, để Pêchya khỏi thù ghét số phận quá đáng, Vaxili Pêtrôvits
vội nói thêm rằng dù sao đứng trên tàu cũng không nhìn thấy Tơroa, thế là
Pêchya và số phận đã làm lành với nhau.
Nhưng, hai ngày sau, Pêchya được thấy Aten, như vậy nó đã được đền
bù gấp bội cho sự thiệt thòi vì không được nhìn thấy Tơroa.
Dải bờ hoang vắng, lởm chởm của đảo Obê dài như không bao giờ
hết, trơ trụi và toàn đá là đá, nom đến phát chán lên được, Nhưng rồi nó
cũng chấm dứt. Ban đêm tàu đi qua một cái eo nào không rõ, qua cửa nắp
hành khách nhìn thấy những ngọn hải đăng trên bờ. Tàu thay đổi tốc độ
mấy lần, quay mũi. Bố con Pêchya đi ngủ muộn, buổi sáng thức dậy thì tàu
đã đỗ ở cửa biển Pirê, nhìn ra thấy Aten.
Lần này Vaxili Pêtrôvits nhất quyết không thuê người hướng dẫn.
Những người hướng dẫn Hy-lạp khác người hướng dẫn Thổ-nhĩ-kỳ ở
chỗ họ nhỏ người hơn, không đội mũ fê đỏ cổ ngù đen mà đội mũ fê đen
không có ngù, tay cầm những chuỗi tràng hạt hổ phách. Họ không xấn xổ
xông vào cướp khách, miệng gào hét và nguyền rủa như những con người
hiếu chiến theo đạo Hồi, mà đúng với tư cách những người cơ đốc giáo
hiền lành, họ lặng lẽ xúm quanh khách, dùng sự kiên nhẫn để giành phần
thắng. Ở giữa vòng vây của những người hướng dẫn Hy-lạp vừa lần tràng