cốc nước, nhưng họ ít khi đụng đến, mà lẳng lặng chơi bài dôminô, lần
tràng hạt, hay đọc báo, thành thử họ giống người nhà hơn là khách. Ngay
cả những bức chân dung vua và hoàng hậu Hy-lạp phía trên cửa bếp cũng
không có tính chất trịnh trọng, mà có thể dễ dàng coi đấy là ảnh phóng đại
của ông và bà chủ lúc còn trẻ tuổi. Khó mà tưởng tượng nổi rằng đền
Partênông vĩ đại bằng cẩm thạch ngời sáng trên đỉnh núi ở ngay gần đây lại
do bàn tay của tổ tiên những người Hy-lạp rất đỗi hiền lành này sáng tạo ra,
những người đang đẩy những phiến đôminô đen trên mặt bàn đá cẩm thạch
và hút cái ống điếu cong queo kêu òng ọc.
Trong lúc bố con Bátsây uống cà phê đặc với crem sữa thì ông chủ
đứng cạnh bàn, nói chuyện vui với họ bằng tiếng Nga vì họ là người ngoại
quốc. Thì ra em gái ông ta lấy con cả của một người chủ cửa hàng bánh mì
Hy lạp ở Ôđexxa, tên là Fênixtôc Kriađi, còn bản thân ông ta hồi nhỏ đã ở
Ôđexxa ba năm, và ông nội ông ta là hội viên hội Hôtêri bí mật của Hy-lạp,
hồi xưa ông cụ đã từng sống ở Ôđexxa, rồi chiến đấu cho tự do của Hy lạp,
và bị bọn Thổ-nhĩ-kì xử bắn.
Có lẽ ông ta tưởng Vaxili Pêtrôvits là một người cách mạng Nga trốn
ra nước ngoài, nên ông ta miệng chỉ trích chính phủ Nga; phỉ báng Nikôlai
khát máu và cam đoan rằng chẳng bao lâu nữa ở Nga sẽ lại có cách mạng,
khi ấy tất cả mọi người sẽ được tự do, còn bọn vương hầu bạo ngược của sa
hoàng sẽ bị treo cổ.
Vaxili Pêtrôvits cảm thấy rất khó xử và mấy lần nhớn nhác nhìn
quanh, nhưng lần nào ông chủ cũng tìm cách làm cho ông yên tâm, cam
đoan rằng mọi người Hy-lạp chính trực đều đồng tình với cách mạng Nga
và chẳng bao lâu nữa ở Hy-lạp cũng sẽ có cách mạng và nhân dân sẽ đuổi
hết bọn Thổ-nhĩ-kì ra khỏi đất nước. Ông ta nói tiếng Nga thông thạo như
nhân vật người Hy-lạp trong truyện “Đám cưới” của Tsêkhôp, thành thử hai
thằng bé phải khó khăn lắm mới nhịn được cười, (Pavlik phải bóp chặt lấy
mũi để khỏi phì cười). Nhưng ông bố gõ chiếc nhẫn cưới xuống mặt bàn đá
có ý răn đe vì thế hai đứa nén được.