thế và ông hoảng sợ vì những điều vừa nói. Nhưng ông không thể dừng lại
nữa. - Và nếu như ở nước Nga ta không thể không làm nô lệ cho kẻ khác, -
ông nói tiếp, - thì thà tôi làm một tên nô lệ bình thường còn hơn là tên nô lệ
trí thức. Ít ra thì tôi còn giữ được sức sống cho tâm hồn tôi... Lạy Chúa,
bỗng nhiên ông nói, lệ ứa ra và ông ngước nhìn tượng thánh, - phúc đức
thay. Thượng đế nhân từ đã đem Giênhya theo và Giênhya không phải cùng
tôi chịu đựng tất cả những nỗi nhục này! Tôi không biết Giênhya sẽ chịu
đựng như thế nào khi chồng cô ấy chỉ còn có nước đi khuân vác kiện hàng
ngoài cảng để sống.
- Sao mà chú thích thú, những kiện hàng đến thế! - bác vừa nói vừa
lau nước mắt.
- Phải phải, chính là những kiện hàng! - Vaxili Pêtrôvits nhắc lại bằng
giọng khiêu khích.
Đêm đã khuya. Pavlik đã ngủ, nó thở phì phò. Pêchya không ngủ và
lắng nghe tiếng nói ở phòng ăn. Nó tưởng tượng như thấy trước mắt cái
cảnh này: chẳng rõ vì sao ba nó không có áo bành tô và mũ lông, chỉ mặc
áo rơ-đanh-gôt và đi đôi giày cũ, bước xuống những bực đá nổi tiếng ra
cảng và bắt đầu khuân vác những bao gai đựng đầy cùi dừa nặng trịch.
Cảnh ấy thực giả dối, không thật chút nào. Chính Pêchya không tin sự thể
có thể đến nông nỗi ấy, nhưng dù sao đi nữa lúc ấy nó thương bố quá, chỉ
chực òa khóc, nó đâm bổ đến với bố, nép vào bố và thưa: Không sao cả, ba
thân yêu, ba cứ vững tâm! Con sẽ khuân vác hàng với ba, bố con ta không
chết đâu!”
XXXVI
Ý ĐỊNH MỚI CỦA BÁC