Pêchya muốn ném lên bác một cái nhìn khinh miệt, nhưng trên gương
mặt nó lại chỉ hiện lên một nụ cười thảm hại, đến nỗi bác nó khoát tay, bỏ
đi.
Pêchya bắt đầu ghi nhật ký. Nó lấy một quyển vở dày và sau khi xé đi
mấy trang có bài tập toán đại số, nó viết: “Tôi đã yêu...”. Nó tưởng rằng nó
sẽ dễ dàng ghi đầy cuốn vở, tả lại tỉ mỉ tình cảm của mình, những tình cảm
nó cho là khác thường và vô tận. Nhưng dù đã khổ công suy nghĩ, nó vẫn
không thể viết thêm được ngoài mấy chữ trên; đầu óc nó rối bời.
Thế là nó quyết định dùng đến phương kế cuối cùng: viết cho cô bé
một lá thư hẹn hò.
Kể ra, cách này khá thông thường và chẳng có gì là đặc sắc. Nhưng,
tình yêu của Pêchya đã lên tới cực điểm khi người ta tưởng rằng người
mình yêu là một đấng thượng đẳng hoàn mỹ, thoát ra ngoài mọi quan hệ
bình thường của con người, mặc dù người ấy cũng che ô đi mua dầu hỏa
hoặc ngồi viết chính tả.
Tuy nhiên, Pêchya cũng không còn cách nào khác.
Thông thường, viết thư tình, người ta hay dùng cái gọi là “thư không
phong bì” khá phồ biến ở mọi buổi vũ hội và các tối khiếu vũ khi chơi trò
“hòm thư bay”. Những tờ giấy viết thư nhỏ nhiều màu gập đôi đồng thời
cũng là phong bì, bởi vì ba cạnh của nó dán kín, rồi ngươi ta mở thư bằng
cách xé theo một đường đột lỗ chạy quanh rìa. Những bức thư ấy đại loại
như những khẩu liên thanh, công-fec-ti, những băng giấy nhiều màu, những
mặt nạ nửa mặt hẹp bản bằng sa tanh và những thứ vớ vẩn khác ở các hội
vũ. Thư tình nên viết bằng loại giấy đó. Nhưng Pêchya không có loại giấy
quý và cũng không thể mua được ở đâu cả. Đành phải tự làm lấy, đem tờ
giấy xé ở vở học ra gấp làm đôi và dùng kim băng đột lỗ quanh rìa.
Làm cái trò hoàn toàn không dễ, nhưng viết thơ càng khó hơn. Pêchya
nháp hết năm tờ giấy, cuối cùng mới được đoạn thư như sau: “Marina! Tôi
cần nói chuyện với cô về một việc rất quan trọng. Ngày mai cô ra thảo