Bác Tachyana lại đâm bổ ra thành phố, nhưng trở về chẳng được việc
gì, bởi vì bà Xtôrôgienkô lại đi vắng, còn bọn “Ba tư” hồ như nhạo báng
lương tri, định giá không phải hai mươi bốn nữa, mà chỉ một rúp ba mươi
kôpêch một pút, người bán hàng phải đưa hàng đến tận nơi. Ngoài ra chắc
là họ còn xấc xược với bà hơn nữa, bởi vì bà gần như phát khóc, giật phăng
mũ trên đầu và nhắc đi nhắc lại mấy lần, chạy đi chạy lại ở hàng hiên.
- Bọn đểu cáng! Trời, cái bọn đểu cáng làm sao!
Chỉ còn một lối thoát: đến thuê xe ngựa của bọn kiều dân Đức, thuê cả
dành của họ và đi ngược lại các nguyên tắc thiêng liêng của Vaxili
Pôtrôvits, sử dụng lao động của người khác, nghĩa là thuê các cô gái nông
thôn quanh vùng, đến hái quả cho nhanh, quả bị chim rỉa mất đến gần một
phần tư rồi.
Người Đức không cho thuê xe ngựa tải, còn các cô gái đã đi làm thuê
hết ở các vườn khác.
- Thật đáng nguyền rủa cái giờ khắc tôi đã để cho mình bị lôi kéo vào
cái trò ngu ngốc này! - ông bố kêu toáng lên.
- Vaxili Pôtrôvits, vì Giênhia quá cố, xin chú hãy thương tôi! - bà chị
vợ ứa nước mắt nói, và giọng nói của bà khiến người ta cỏ cảm giác là mũi
bà bị sưng lên.
Sau hết, cánh cổng ken két mở ra, và một cỗ xe ngựa có mui đi vào
khu trại. Một gã “Ba-tư” ngồi trên ghế xà ích, một gã khác đứng ở bậc xe,
còn ngồi lắc lư trong xe là bà to béo mặc áo choàng ngoài bằng vải gai và
đội cái mũ bụi bậm cài những bông hoa cỏ lưu li đã khô héo. Cỗ xe vượt
thẳng qua bồn hoa thuốc lá và dã yên, dừng lại cạnh nhà. Hai gã “Ba-tư”
lập tức đỡ lấy khuỷu tay bà kia, và bà ta nặng nhọc lần bước ra khỏi xe.
Mặt bà ta béo húp, nhưng vẫn gân guốc, mép có ria và má đỏ kệch
màu củ cải đỏ, mắt không có thần sắc.