từ phòng ăn vọng sang. Bây giờ những tiếng “tự do tín ngưỡng”, “đại diện
của dân chúng”, “hiến pháp” được nhắc đi nhắc lại càng thường xuyên hơn,
và cuối cùng tiếng “cách mạng” đầy nhiệt huyết đã được thốt lên.
- Chú hãy nhớ lấy lời tôi. Tình hình này rồi thế nào cũng kết thúc bằng
một cuộc cách mạng thứ hai, - bác nói.
- Chị đúng là phần tử vô chính phủ! Ông bố hét lớn.
- Tôi là người phụ nữ Nga yêu nước!
- Tất cả những người Nga yêu nước đều tin vào hoàng thượng và
chính phủ của Người.
- Thế chú có tin không?
- Tôi tin!
Và Pêchya lại nghe thấy tên Tônxtôi.
- Chú tin Sa hoàng của chú và chính phủ của chú đến thế ư? Vậy tại
sao họ lại trục xuất Tônxtôi ra khỏi hội thánh và cấm các tác phẩm của
ông?
- Là người thì không ai tránh khỏi lầm lẫn. Họ cho Tônxtôi là nhà
chính trị, gần như nhà cách mạng, nhưng Tônxtôi chỉ là một nghệ sĩ vĩ đại
nhất của thế giới, là niềm tự hào của nước Nga và Tônxtôi đứng bên trên
hết thảy các đảng phái cả các cuộc cách mạng của chị. Tôi sẽ chứng minh
điều này trong bài diễn văn của tôi!
- Chú cho rằng cấp trên sẽ cho phép anh làm việc ấy hay sao?
- Không cần ai cho phép mới có quyền công khai tuyên bố rằng Lep
Tônxtôi là nhà văn vĩ đại của đất nước Nga.
- Chú tưởng thế thôi.
- Không phải là tôi tưởng, mà tôi tin chắc như thế!