thế cho cả đôi tay. Nhiều hình ảnh đã làm tao nhớ đến mày thật nhiều.
Có gặp các thầy nói cho tao gửi lời kính thăm. Bảo rằng thằng học trò tên
Thăng vẫn còn làm lính ở rừng, nhưng không bao giờ quên được lớp học
ngày xưa đầy thân ái. Sài Gòn – Chu Pao, gần mà xa ghê Nghiêm nhỉ! Ở
đây chỉ có cảnh buồn, và người buồn. Hết giấy, tao dừng nha Nghiêm!...”
Tôi nói một mình, tưởng chừng như đang có Thăng trước mặt:
- Thằng khỉ! Viết thư không có đầu đuôi, rồi chấm dứt một cách đột
ngột.
Tôi nhớ thuở bọn tôi chung học, lớp Mười một còn được gọi là lớp Đệ nhị,
Thăng là đứa nổi tiếng làm luận độc đáo nhất lớp. Kỳ nào phát trả bài luận
văn ra hắn cũng được thầy Khuê gọi lên đọc bài của hắn cho cả lớp nghe.
Không phải vì văn hay, chữ giỏi, mà vì hắn có biệt tài tả lan man, quanh
quẹo rồi… chấm dứt một cách bất ngờ. Cả lớp nghe, cười bò lăn. Lúc nào
Thăng cũng được thầy phê vào bài luận: “Văn lủng củng nhưng đáng yêu”.
Văn lủng củng nhưng đáng yêu, chỉ có thầy Khuê mới nghĩ ra cách phê
bình ngộ nghĩnh đó, và chỉ có Thăng mới xứng đáng được phê như vậy.
Nụ cười vô tư thoáng qua trên môi tôi trong vài giây rồi tắt ngay. Tôi trở về
với thứ hiện tại náo động đầy phiền muộn, thứ đời sống mà tôi đã quyết
tham dự vào từ mấy tháng nay. Tôi là ai? Một người thương phế binh. Quá
khứ đã lắm gian nan mà hiện tại thì đầy niềm thất vọng. Tôi đã cố gắng
chống chọi mà chẳng tìm thấy gì toại ý ngoài sự chán nản tột cùng. Thăng
nói đúng, mỗi chiếc nạng có một ý nghĩa riêng của nó. Chiếc nạng giúp
người phế binh kia đi lượm mảnh nhôm, đồng về bán, nuôi vợ con. Chiếc
nạng của tôi giúp tôi đi lượm lặt kỷ niệm ở mái trường xưa, giúp tôi bước
tới trên con đường đã gián đoạn.
Nhưng tôi hoài công, chiếc nạng cuối cùng giúp tôi đánh vào bộ mặt bỉ ổi