của lão “Tố Nữ”, một việc làm mà chính tôi cũng không ngờ. Cái đánh đó
cũng gián tiếp quật vào lương tâm của ông Giám học thiếu căn bản, và
cũng là một dấu chấm cho đời học sinh của tôi. Tôi đã chấm dứt rồi.
Tôi đã quyết định rời bỏ mái trường. Không còn gì kêu gọi tôi được nữa.
Lần này xa trường tôi nghe xót xa hơn cả ngày tôi đi lính. Vì ngày trước tôi
vẫn còn hy vọng sau khi xong nhiệm vụ, tôi còn có cơ hội trở về tiếp tục
học. Nhưng lần xa cách này là vĩnh viễn, bởi lòng tôi đã muốn thế. Không
trở lại nữa, bất cứ một ngôi trường nào. Vì hết cả niềm tin, nguyên liệu quý
giá giúp con người vui sống. Tôi không tin tưởng vào một ai, vào một điều
gì nữa.
Tôi bỗng muốn thời gian ngừng lại, trở ngược về những quá khứ huy
hoàng. Tôi muốn được sống ở thời Lê Thánh Tôn, hoặc làm một thần dân
của Quang Trung. Tôi muốn tất cả thanh niên thiếu nữ biến thành kẻ mang
tinh thần Nguyễn Thái Học, Cô Giang. Tôi muốn tất cả sách báo là Đông
Dương tạp chí, tất cả trường học là Đông Kinh nghĩa thục. Thế thôi! Rạng
rỡ nhất, vinh thăng nhất là đó.
Hai ngày rồi tôi ở nhà không đến trường. Tôi nhớ thắt thỏm nhưng tôi thản
nhiên ngoài nét mặt. Ba mẹ tôi tin rằng đã đến lúc tôi không cảm thấy vui
thích để học nữa, nên không thắc mắc nhiều. Hai người không biết rằng tôi
đã tranh đấu với chính tôi để đi đến một quyết định. Tôi sẽ không gặp ai
nữa, từ người thương đến kẻ ghét. Nhưng tôi lại gặp họ ở trong trí nhớ.
Đồng, Thi, Phát, Đĩnh, lão “Tố Nữ”, thầy Trần, thầy Chung, ông Giám học,
thầy Hiệu trưởng… Tất cả quay cuồng trong tâm trí tôi, lại bắt tôi suy nghĩ.
Tôi như kẻ bị bắt buộc làm chứng nhân cho quá nhiều vở kịch, bây giờ đã
mệt mỏi thật sự.
Bỗng dưng tôi nghĩ đến chuyện về quê. Tại sao lại phải sống ở đây nhỉ? Tôi
đã dâng một phần thân thể của tôi cho đất nước, tôi đã đem tất cả thiện chí
của tôi tặng cho mái trường. Đến nay tôi có thể không bận lòng nữa chăng?