“Các em nghĩ rằng điều đó khiến họ ái ngại tí nào ư? Họ thậm
chí còn không biết Afghanistan ở đâu. Anh chắc là họ thậm chí còn
không tin chuyện gì đang xảy ra ở đây. Nó chẳng liên quan gì đến họ
cả. Kể cả người Afghanistan ở nước ngoài cũng mặc kệ chúng ta nữa
là!”
Hai lần chúng tôi đã may mắn kiếm được các tờ tạp chí của
Tiểu vương quốc Ả Rập qua một người bạn của anh Daoud làm việc ở
hãng Hàng không Ariana. Vận tải đường không vẫn lưu thông, nhưng
không có phụ nữ làm việc. Những điểm đến duy nhất là Islamabad,
Dubai, Djedda và Ả Rập Saudi. Hai tờ tạp chí trong ba năm, quả là
thông tin hết sức thiếu thốn.
Chính Farida, với khả năng đặt ra những câu hỏi vốn đã bao hàm
câu trả lời, đã thức tỉnh chúng tôi.
“Nếu chúng ta làm tiếp tờ báo thì sao? Em không thấy hứng
thú với nó nữa à? Chị thì còn. Chúng ta chỉ cần bắt đầu lại.”
Chị đề xuất đi vào trong thành, làm một phóng viên ngụy trang
trong chiếc áo burqa, để thu thập tin tức cho số báo tiếp theo. Để
giúp chúng tôi, anh Daoud sẽ lo chuyện giấy, và bởi chữ anh rất
đẹp, anh còn chịu trách nhiệm viết toàn bộ tờ báo nữa.
Chúng tôi nhớ chị Chakila biết bao. Kể từ khi chị lấy chồng,
mọi người trong nhà đều nhớ uy quyền cũng như nụ cười của chị.
Chị đã hết sức để ý giám sát chị Soraya và việc học hành của tôi. Chị
cũng mê âm nhạc và điện ảnh. Chính chị đã thuyết phục cha đưa
chúng tôi đi xem phim. Bản thân chị là một học sinh tuyệt vời, bởi chị
luôn muốn tìm tòi mọi thứ. Năm mười một tuổi, chị đã đạt điểm cao
nhất lớp môn tiếng Nga, và nhờ thế giành được một chuyến đi
nghỉ ở Liên Xô, và đồng thời bị anh Wahid chê trách, anh tôi không
muốn cho phép chị đi. Nhưng chị vẫn giữ lập trường của mình.