tình yêu đến sau lễ nikha, một nghi thức tôn giáo. Do tình hình ở
Kabul, không có lễ hứa hôn và tất cả chúng tôi đều buồn vì cặp vợ
chồng chưa cưới này còn không được gặp nhau trước đám cưới.
Không có lễ cưới, không có âm nhạc, không cả quà cưới, váy cưới cũng
không. Mẹ vẫn thường kể với chúng tôi rằng trong đám cưới của
mình, mẹ đã mặc chiếc váy cưới màu xanh lá cây đẹp tuyệt vời do
đích thân Azar, thợ may chính của hoàng cung, may cho. Sau đó,
đến buổi tối, mẹ lại diện chiếc váy dài trắng hàng Paris, chiếc
váy mà vợ ông trưởng quân chủng thông tin đã cho mẹ mượn. Chiếc
váy màu xanh, màu của hy vọng đối với các tín đồ đạo Hồi, là váy
truyền thống cho nghi thức tôn giáo. Đêm đến, thời trang chuyển
về phương Tây: màu trắng du nhập vào nước chúng tôi từ châu Âu.
Trong lúc thề nguyện trăm năm, cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau
và một bà cao niên khả kính trong gia đình sẽ đặt henna
vào lòng
bàn tay họ. Rồi cặp tân hôn sẽ soi vào một chiếc gương đặc biệt, sau
đó sẽ mang chiếc gương này về phòng mình. Cặp tân hôn đọc một
tiết trong kinh Koran, và uống chung một ly rượu ngọt để sự hợp
hôn của họ sẽ ngọt ngào suốt cả cuộc đời. Vào cuối lễ cưới, người ta
sẽ chọc tiết một con cừu, và nếu máu cừu bắn vào giày cô dâu, thì
điều đó nghĩa là cô ấy sẽ thủy chung trọn đời.
Nhưng đối với anh Daoud và chị Marie tất sẽ không hề có
những chuyện đó... Tuy nhiên chúng tôi vẫn tự nhủ rằng phải làm
điều gì đó để kỷ niệm đám cưới của họ.
Nhưng ở đâu đây? Không thể đến một nhà hàng như đám cưới
của chị Chakila khi có cả trăm khách mời đến dự. Giờ đây không
ngôi nhà công nào chấp nhận việc nam nữ cùng có mặt. Còn căn hộ
của chúng tôi lại quá nhỏ và ở ngay tầm chú ý của hàng xóm và bọn
Taliban. Không muốn trốn trong hầm trú ẩn, như từng trốn vào
lúc bom dội ác liệt nhất, chúng tôi không thể nghĩ ra cách kỷ niệm sự
hợp hôn này.