khoản trợ cấp. Câu trả lời duy nhất anh nhận được là, “Không có
suất nào cho cậu cả.”
Rốt cục cha tôi đành thương lượng riêng với viên thư ký. Ông
khăng khăng và làm ầm lên về sự bất công đối với anh Daoud,
đến nỗi cuối cùng anh cũng được cấp học bổng. Tuy nhiên, học
bổng này chỉ có giá trị ở Dushanbe thuộc nước Cộng hòa Tajikistan,
chứ không phải ở Moskva. Anh Daoud vẫn chấp nhận nó và đi
Dushanbe học kinh tế học.
Đó hóa ra lại là một việc tốt đối với anh tôi, vì những quy định
về việc tòng quân thay đổi như thời tiết. Đùng một cái, các sinh
viên bị bắt phải thực hiện nghĩa vụ quân sự sáu tháng, bất luận họ
có là con trai các bộ trưởng hay phó thường dân. Chính phủ ra nghị
quyết rằng căn cứ vào nhu cầu của quân đội, mỗi một nam công
dân đều phải thực hiện hai năm nghĩa vụ. Thật may là anh Daoud đã
ở
Tajikistan.
Chúng tôi vẫn viết thư cho anh Daoud. Thỉnh thoảng anh tôi gọi
điện về nhà. Một năm sau anh về Kabul nghỉ lễ và kể cho chúng tôi
nghe cảnh đói nghèo và khổ sở anh đã chứng kiến ở Dushanbe. Các
nhà lãnh đạo Xô viết ở nước tôi không ngớt kể về những điều tuyệt
vời mà người dân Xô viết được hưởng, trong khi thực tế phần lớn
đang sống trong những điều kiện thật đáng sợ.
“Anh gặp một phụ nữ làm việc trong một nông trang nhà nước để
lấy hai rúp một ngày,” anh Daoud kể với chúng tôi. “Các giáo sư ở đó
cho điểm giỏi chỉ đổi lấy một cái dây đeo chìa khóa. Một chiếc
quần bò đem bán ở Dushanbe đủ trả học phí đại học cả năm. Tất cả
các sinh viên Afghanistan đến Dushanbe đều mang theo quần bò,
ô, kính râm. Bất cứ thứ vớ vẩn gì em có thể tìm thấy ở Peshawar
đều đáng giá cả một gia tài ở Dushanbe. Kể cả là một cặp bấm
móng tay hay một gói kẹo cao su đi nữa.”