huyên thuyên và khoa trương về những vấn đề không phải của
mình, nhưng chúng tôi giữ kín những đau đớn trong lòng. Cuộc nội
chiến, tôi nghĩ, đã làm tăng thêm tính tự tôn này cũng như sự câm
lặng này. Tựa hồ như chúng tôi sống sót được nhờ việc dè sẻn cảm
xúc vậy. Điều này là cần thiết để khỏi suy sụp tinh thần, hoặc
phát điên lên vì tức giận và sợ hãi. Khi nỗi đau của riêng mình trở nên
quá nhức nhối, khi cảm thấy nó đang dâng lên đến mức sắp vỡ òa
trước mặt người khác, tôi liền trốn vào phòng mình và khóc thảm
thiết trên giường, nhưng chỉ một mình.
Ngày thứ Sáu đó, 27 tháng Chín, lòng trĩu nặng vì dự cảm về
khủng bố, chị Soraya và tôi bàn đi bàn lại về các sự kiện và những gì
đã chứng kiến. Sau khi chị Chakila lấy chồng, tôi đã bỏ chiếc
giường đơn của mình để sang ngủ với chị Soraya. Cho đến tận giờ chị
Soraya luôn kể cho tôi nghe những câu chuyện về các chuyến đi của
chị và phi hành đoàn, hoặc cả hai nghe nhạc và chị sẽ khiến tôi cười
phá lên bằng cách bóp mũi tôi. Đó là cách chúng tôi chịu đựng
những vụ nổ tên lửa cuồng bạo khắp xung quanh. Anh trai tôi,
Wahid, đã dạy chúng tôi một kỹ thuật mà anh học được ngoài mặt
trận hồi đi lính. Trong trường hợp xảy ra vụ nổ lớn, phải há miệng ra
càng to càng tốt để tránh không bị thủng màng nhĩ.
Phòng của chị em gái chúng tôi là nơi trú ẩn được khoanh vùng bởi
tất cả những đam mê nho nhỏ của thời niên thiếu của tôi. Trên
tường treo một tấm poster hình diễn viên kiêm người mẫu Mỹ
Brooke Shield. Chị Soraya thường khiến tôi bật cười bằng cách giả
làm người mẫu: lênh khênh trên đôi giày cao gót, hai tay chống
nạnh, trang điểm lòe loẹt, chị nhún nhảy theo sàn catwalk tưởng
tượng và tạo dáng đủ kiểu. Chị thích mặc diện cho tôi ngay cả khi tôi
còn nhỏ, bản thân chị cải trang bằng đôi giày và bộ váy của mẹ tôi.
Một tấm poster hình Elvis ở kế bên tấm Brooke Shield, thể
hiện tình yêu của tôi dành cho nhạc rock. Tôi có hàng đống băng