là một người Saudi, ông ta hẳn phải có nhiều tiền. Tôi đã được điểm
khá cao trong vòng một.
Trước khi Saber và chị Farida ra về, Saber trả lại tôi cuốn Bông
hoa đỏ cho nỗi sầu của em của nhà văn người Iran Parwiz Ghasi
Said mượn của tôi trước đó. Đây là một câu chuyện tình buồn mà
tất cả bọn trẻ chúng tôi đều đang đọc và tôi thì thích mê nó.
“Thấy quyển này thế nào?”
Saber nhăn mặt để tỏ ra mình chẳng xúc động gì cả, mặc dù tôi
biết tỏng là cậu ấy đang yêu một cô bé sống trong khu. Cậu ấy kể
hết cho tôi nghe và tôi kể lại hết cho chị gái cậu ấy. Tôi cũng biết
rằng cha mẹ Saber nghĩ cậu ấy còn quá trẻ để tới bàn chuyện với gia
đình cô gái kia.
Tôi ép mình phải nghĩ đến những điều sống động, những thứ
phù phiếm, cái váy của tôi chẳng hạn, nó đang chờ tôi ở hiệu may và
cha đã hứa đi lấy về sớm cho tôi, bất chấp cái nhìn quở trách của
mẹ. Mẹ cho là cha quá chiều theo những trò nhõng nhẽo của tôi. Tôi
tôn sùng cha và cha cho tôi hầu như mọi thứ mà tôi muốn. Thậm
chí anh Daoud khi còn là sinh viên còn nhờ đến tôi khi cần xin cha
thứ gì đó. Mỗi lần tôi muốn xin một ít tiền để mua băng cassette
hay nhũ móng tay là mẹ lại mắng tôi. “Con nên nghĩ đến ngân quỹ
gia đình một chút chứ, Latifa. Đừng có đòi hỏi quá mức.”
Hôm qua mẹ giận điên lên vì tôi vẫn còn nghĩ đến chuyện đi dự
tiệc cưới vào một ngày như thế. Nhưng tôi không thể không nghĩ
đến nó. Tôi thậm chí còn chưa được nhìn thấy cái váy đã may xong
của mình... Tôi biết như thế là nông nổi, nhưng chỉ là tôi đang nỗ
lực sống bình thường như mọi cô gái ở tuổi tôi mà thôi. Đó là cách trì
hoãn cảnh giam lỏng chắc chắn sẽ xảy ra với tôi. Với tất cả những
cô gái và những người phụ nữ chúng tôi.