thu hút tôi. Mẹ thì xa cách và nằm bẹp suốt; mẹ không còn quan
tâm xem Soraya và tôi đang làm gì nữa, vì chúng tôi chẳng làm gì cả.
Đôi khi Saber đến thăm tôi. Thi thoảng mẹ tôi vẫn khám cho một
bệnh nhân trùm burqa kín mít. Họ từ trong khu đến và lúc nào cũng
tất ta tất tưởi, lúc nào cũng lo lắng. Tôi mở cửa và họ liền biến
vào trong phòng khách với mẹ. Chồng của họ chờ ở dưới, bên ngoài
tòa nhà.
Vào một ngày cuối đông, tôi mở cửa cho một phụ nữ mặc burqa
và nghĩ bà ta là một trong những bệnh nhân bí mật của mẹ. Nhưng bà
ta lại hỏi ngay tôi những câu hỏi lạ lùng.
“Cháu là Latifa phải không? Con gái của Alia à? Bạn của Saber?” Vì
không rõ bà ta muốn gì, tôi toan đóng cửa lại, nhưng bà ta khăng
khăng đòi vào. ”Đúng, đúng, đúng là cháu rồi.”
Đột nhiên bà ta phá ra cười và vén burqa ra. Chỉ lúc đó tôi mới
nhận ra chị gái của Saber.
“Farida, là chị à! Chị làm em phát khiếp lên được. Chị làm gì với
cái áo này vậy?”
“Chị gái chị đến thăm và chị đã mặc cái áo này vào để trêu chị
ấy. Nhưng giờ chị đến đây mua vui cho em. Vì từ giờ chị sẽ lợi dụng
nó để đi khắp nơi, đi dạo nữa. Em lại đây thử mặc nó vào xem nào.”
Quả là tôi bị sốc khi nhìn thấy chị Farida ăn mặc như thế này.
Dĩ nhiên là tôi đã thấy những chiếc áo burqa trước khi Taliban xâm
chiếm thành phố chúng tôi. Một vài bà ở nông thôn đến khám
bệnh chỗ mẹ tôi vẫn mặc chúng theo phong tục và theo ý muốn riêng
của họ. Tuy nhiên, chúng vẫn còn khá hiếm thấy ở Kabul. Mặt khác,
trong suốt thời Nội chiến, rõ ràng những chiếc áo burqa đã khá
hữu ích cho những phụ nữ làm công việc đưa tin bí mật. Đôi khi