người ở trình độ phát triển thấp thản nhiên tạo tác ra mặt mình... Tiếc thay,
tôi không biết rõ gốc rễ của quan điểm như thế, vì đó không phải là chuyên
môn của tôi. Nhưng về mặt thống kê thì số liệu khá chính xác... Chẳng hạn,
nếu xét những tổn thương bên ngoài thì những hư hại trên mặt nhiều gấp
rưỡi những hư hại ở các chi. Thế mà tám mươi phần trăm số người bị tổn
thương bên ngoài lại nhờ đến y tế chữa chạy về sự mất mát các chi, chủ yếu
là ngón tay. Rõ ràng là về mặt thì có ta-bu nhất định. Những bạn đồng
nghiệp của tôi cũng quan sát thấy đại loại như thế. Và khủng khiếp nhất là
người ta coi công việc của tôi là công việc của nhà mỹ dung có trình độ
chuyên môn cao, say mê kiếm lời...
- Nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người ta chuộng nội dung hơn
hình thức bên ngoài...
- Thế là thế nào, chuộng nội dung không có cái chứa à? Tôi không tin.
Tôi tin chắc rằng tâm hồn con người được bọc trong bộ da.
- Có thể như thế nếu nói một cách bóng bẩy...
- Tại sao lại bóng bẩy?... - Ông ta nói bằng giọng điềm tĩnh nhưng quả
quyết - Đúng theo nghĩa đen. Tâm hồn con người bọc trong da. Tôi tin chắc
như thế. Tôi tin chắc, căn cứ vào kinh nghiệm bản thân trong thời kỳ chiến
tranh, khi tôi là bác sĩ quân y. Trong chiến tranh, người ta bị mất tay mất
chân, bị hỏng mặt là chuyện thường. Thế ông cho rằng người bị thương bận
tâm đến cái gì nhiều nhất? Không phải là tính mạng, không phải là sự phục
hồi các chức năng của cơ thể. Không. Điều làm họ băn khoăn trước hết là
có giữ được cái hình dáng trước đây hay không. Thoạt đầu tôi cũng chế
nhạo họ. Thì tất cả những điều tôi nói đến xảy ra trong chiến tranh mà, ở đó
không có gì có giá trị, trừ những ngôi sao trên cầu vai và sức khỏe. Nhưng
có lần, đã xảy ra sự việc như thế này: một người lính bị hỏng mắt rất nặng,
ngoài ra không có những tổn thương rõ ràng nào khác, ngay trước khi ra
viện đột nhiên tự sát. Trước đó anh ta ở trạng thái choáng... Từ đó, tôi bắt
đầu chú tâm nghiên cứu ngoại hình của những người lính và rốt cuộc tôi đã