a-lat (ơn trời) cũng không bóng người. Cả làng Chăm đã chạy giặc.
Ngày lễ thứ sáu bây giờ mới thấy trên sàn nhà có người trải chiếu, cả
nhà ngồi trang nghiêm bái về La-mêc thành phố thánh ở hướng Tây.
Đạn đại bác còn in vết trên tường chợ và vết thủng trên các nóc
nhà chung quanh. Ngay gần chỗ bị tàn phá, có đám cưới, trước cổng
dán tấm giấy hồng viết ba chữ “Lễ tuyên hôn” to tướng. Tiếng cười,
tiếng hát trong nhà sàn kề mặt nước. Những nhà ven kênh Vĩnh Tế
dạo nọ phải sơ tán, dỡ đi, vừa được lợp lại, lại vui.
Ngày trảy hội “vía bà” núi Sam đông quá. Hội núi Sam, trước
nay, người cả hai biên giới nô nức về. Mấy năm nay bặt hẳn. Bây giờ
người trảy hội đông như bật lên, bù lại những năm mất hội. Cơ man
các đoàn trai trẻ lên núi, đem theo túi bánh và thức ăn, vai vác đàn
ghi-ta - một nét mới của hội “vía bà” núi Sam. Hội núi Sam bây giờ
là ngày thanh niên chơi núi của An Giang và của tỉnh Tà-keo nước
bạn.
Nhìn lại biên giới hai nước có lẽ chỉ còn sống sót vài cây thốt nốt
đứng chơ chỏng.
Người trốn tránh đi đâu bây giờ mới loáng thoáng trở về dựng
lều ở tạm trong vườn hoang. Trên mặt ao trước nhà, những bông
hoa sen, đã mấy mùa nở, mấy mùa tàn tự nhiên. Bây giờ cánh sen đỏ
thắm, bên những dây rau muống mới cấy, đã lên lá xanh eo éo.
Những hàng cây thốt nốt. Ở sông đào Vĩnh Tế hay bến phà Niếc
Lương cũng như nhau. Người bên kia sông, bên này sông, người
Việt hay Khơ-me, qua những cánh đồng liền hai nước, đời đời đã đi
lại, chợ búa, trai gái hò hẹn, những đám cưới, ngày hội xa đến đâu
cũng là gần. Thế mà năm năm tan nát cả.
Trên nét mặt mỗi người tôi gặp, người nào cũng còn thoáng ngơ
ngác, còn phảng phất những nét đau của những ngày tháng rùng