Bọn Pôn Pốt đã nói như điên: ‘‘Làm cuộc thay đổi độc đáo triệt
để nhất thế giới”. Có nghĩa là chúng nó quấy trộn cả nước lên.
Chúng xóa gia đình, chia người già, người trẻ, trẻ em, trai gái thành
đội. Các làng, các huyện đổi tên ra con số. Người vùng này phải
chuyển đi ở vùng khác. Tỉnh Ốt-đa Miên-chây phía Bắc đi hơn năm
trăm ki-lô-mét xuống làm ruộng dưới Tà-keo. Các thành phố, các thị
xã lên phá hoang vùng rừng núi phía Tây. Người Chăm và các dân
tộc thiểu số ở rừng thì dồn về các tỉnh Cô-công, Puốc-xát phía biển.
Không nhà nào được ở yên. Bỏ chợ, bỏ tiền, bỏ chùa, bỏ giấy khai
sinh, khai tử…
Bởi vậy, niềm vui đầu tiên sau giải phóng: Người ta ngày đêm
đi hàng trăm, hàng nghìn ki-lô-mét trở về làng. Rồi thì cha mẹ, anh
em, vợ chồng đi tìm nhau.
Cả nước này, mấy năm qua, ai có đi làm mới được ăn và phát
cho một quần, một áo - quang cảnh tiêu điều ấy y hệt ở Trung Quốc.
Ở đây, đất thuộc địa Bắc Kinh còn kém Bắc Kinh một bậc. Bởi vậy,
cảnh “đồng phục” còn thảm hơn bên kia nhiều. Đàn ông mặc áo bà
ba vải thâm. Đàn bà, váy thâm, áo thâm, tóc cắt ngắn hở gáy. Ai
cũng đen trùi trũi.Trên đầu đội chiếc nón cói Hải Nam. Người đi
chân đất hoặc mang đôi dép râu, đế bằng lốp xe tải, dày hai đốt
ngón tay. Cả nước một khuôn, một số phận: quần áo, xống váy đen.
Dép lốp, mũ cói. Và một cái hố chôn chung.
Bây giờ còn lại khắp nơi trên đường, người đi lũ lượt đen dài. Ở
những chợ vừa được nhóm lại còn xơ xác. Kông-pông Chàm hay
Niếc Lương, hay ngã ba Kông-pông Thom, trăm nghìn người chỉ
một màu đen ngòm như thế. Suốt một ngày đường, chỉ gặp một
thanh niên mặc áo may ô trắng, tay xách chiếc đàn ghi-ta, mặt đàn
gỗ đỏ bóng. Anh ấy người làng Kông-pông Bếch. Cái áo trắng và
chiếc đàn vừa được một bà con người Khơ-me bên Tây Ninh gửi
sang cho.