Sáng hôm sau, đến thăm ủy ban xã ven sông. Thật cũng không
có việc phải tới. Nhưng, hôm trước gặp một đơn vị quân giải phóng
công tác ở đây có kể cho nghe những khó khăn, những mới lạ về
công việc thành lập chính quyền làng này. Tôi muốn được tận mặt
thấy quang cảnh và những con người trên đất nước hồi sinh.
Kông-pông Bếch cũng như mọi làng giặc chạy qua.Chúng lại
lùng giết người một chặng nữa. Người bị giết, người bị lùa đi, bối
rối, loạn xạ.
Những người làng bị dồn đi nơi khác đương lần lượt trở về.
Bộ đội giải phóng đến công tác chọn người ra làm việc xã tự
quản. Khi cả làng đã vào nề nếp, đội công tác họp toàn xã, giải thích
nhiệm vụ và quyền lợi người công dân. Mọi người bỏ phiếu bầu ra
ủy ban.
Hầu hết người làng không biết chữ. Phiếu được đánh dấu bằng
vật gì quen thuộc. Hạt ngô là ông Sơng, hạt đậu đen là anh Xnung,
hạt bí là cô Thì Đa, hạt đậu xanh là bà Tha Ra...
Bỏ phiếu xong cả làng vào một đêm hội múa lăm thôn, Kông-
pông Bếch cũng thế.
Tôi đi qua các xóm lặng lẽ, thanh vắng. Chiếc nhà sàn nhỏ đứng
giữa vườn, thanh gỗ bắc thẳng lên gian giữa. Nếu không tinh ý, khó
biết đấy là căn nhà mới được dựng lại. Bởi mới mà cũ. Đây là những
người bị cưỡng bức đi từ bốn năm trước, giờ trở lại, kiếm mảnh gỗ,
đệp lá thốt nốt, chữa lại cái chân thang, lợp khoảng mái nhà dột.
Chiếc cầu qua lạch nước vào sân được lắp miếng ván gỗ mới. Có
người về không còn nhà, đã đi nhặt nhạnh đâu đấy được chiếc chân
kê cột đá, một chum nước, tấm gỗ làm sàn, làm vách.
Nhưng đã rõ ra những tổ ấm của người ở. Có những chú gà con
túc tích chạy theo đàn trước cửa. Có trẻ em đánh võng dưới sàn.