Sang sông qua Kông-pông Chàm, tôi ăn sáng với một đơn vị
vượt sông của bộ đội giải phóng. Lữ đoàn này, trong cuộc tổng công
kích đã bắc cầu cho các đợt qua sông Mê Kông của quân giải phóng
vào Kông-pông Chàm tới Phnôm Pênh.
Giặc bỏ Kông-pông Chàm, hốt hoảng chạy hết. Những chiếc
giang thuyền nằm chết trên bãi cát, những thuyền buồm bị bắn cháy
trơ lườn như bộ xương cá, những hầm hào nham nhở…
Bến phà bộ đội giải phóng vượt sông chiến đấu, bây giờ là bến
đợi - đúng nghĩa tên gốc:Kông-pông: bến, Chàm: đợi. Chưa bao giờ
như bây giờ, bến đợi người bên này sông sang bên kia sông làm cỏ
ngô. Từ sáng sớm đã vun vút sang ngang những thuyền độc mộc đủ
loại, thuyền gỗ, thuyền thân thốt nốt bổ đôi, có cả đuôi tôm gắn máy
- cơ hồ còn sót lại thứ thuyền gì qua lại được thả tất xuống sông,
người đứng đò ngang đông chen vai, tiếng cười nói vang mặt nước.
Chỉ đến lúc trông thấy cái tàu chiến mắc cạn, ống khói nghiêng
như bị gió thổi rạp xuống, mới nhớ đây đã từng là mặt trận và trận
tấn công chiếm Kông-pông Chàm của quân giải phóng đã phá vỡ
tuyến phòng ngự Phnôm Pênh.
Những đám nổi lửa thổi cơm lập lòe mép nước đêm hôm qua,
đã xuống bè xuôi về quê từ lúc mờ sáng. Mấy đứa trẻ gầy leo khoeo
cởi truồng đứng giữa bè, nhìn lại bến vẫn chỉ thấy một màu hoa
phượng đỏ rực và im lặng hoang vắng.
Trên bến thị xã, một đám các cô bộ đội nữ Cam-pu-chia mặc
quân phục đương xuống phà.
Cũng trạc tuổi ấy, nếu váy áo đen tuyền, trông ai cũng như ai,
con gái cũng như bà già, nhưng đi đã nhiều đường đất, tôi gặp rất ít
ông già, bà già. Những kham khổ ròng rã đã làm các cụ chết vãn cả
rồi hay sao. Vâng, bà già chống gậy cũng như nhiều nạ dòng, cũng