kích, ở đâu địch cũng hối hả xây sân bay làm con đường sống cho
những thị trấn bị phong tỏa.
Bây giờ, sân bay Luông Pha-bang đổi thay khác hẳn. Trước kia,
ở đây là những nơi tung ra tội ác. Trước kia, đấy là lối chạy chết. Bây
giờ, đấy là con đường cho mọi người đi, đến thuận tiện trong cuộc
sống xây dựng.Từ tội lỗi trở thành điều lành, sân bay Luông Pha-
bang bỗng nhiên mang một vẻ đẹp mơ màng mà tôi chưa thấy
quang cảnh như thế ở bất kỳ cái ga trời nào những nơi tôi đã được
qua. Sân bay ở Luông Pha-bang, ở Sà-và-nà-khẹt, ở Xê Pôn dưới
Nam Lào, nó sao mà gần gũi, nó như cái sân trước của nhà mình,
bước ra thì lên cửa máy bay.
Thật như thế, người Luông Pha-bang đáp máy bay xuống Thủ
đô Viêng Chăn như đi chợ, mang theo những cặp lá trầu không xanh
óng, những túi nilông đựng cải xoong, những trái chanh, và cả một
cái lồng nhốt con ngỗng. Người ta bảo giống cải xoong nước suối đá
quanh Luông Pha-bang và chanh vườn dọc sông Mê Kông quãng
trên này mới thật đậm, mới lên hết vị rau ngon, chanh ngon đến thế.
Các bạn Luông Pha-bang bảo tôi không vội vã. Trời chốc mưa
chốc nắng thế, không biết giờ bay có đúng được không. Cứ lúc nào
nghe tiếng máy bay đến ta ra sân bay cũng vừa. Khách đợi đi đứng
tránh nắng mưa dưới cánh máy bay, cạnh cái bọc hàng gửi chất la
liệt.
Khi chiếc máy bay vừa cất cánh lên rồi vút đi, trả lại một vùng
tĩnh mạc của sân bay, lại nghe tiếng mõ trâu đạc lóc cóc ở một bụi
lau nào gần đấy. Một con gà trong đồi cất tiếng gáy trưa - không biết
gà rừng hay gà nhà. Tiếng bánh xe lam đưa khách rời sân bay nghe
rào rạo, xa xa qua cầu Nậm Khan sang phố.
Trông lên thấy nhà hai bên đường mới biết đã ra khỏi rừng cây,
vào thành phố. Ở dưới dòng sông Mê Kông, sông Nậm Khan trông