Pho tượng Phật nằm trên bệ thờ chùa Xiêng Thoong khác nào cô
gái Lào nằm ngủ nghiêng người, tay áp má, tay duỗi trên thân mình
thật đẹp, hai bàn chân thanh thản xếp bên nhau. Chắn hẳn nhà nghệ
sĩ tài hoa nào thời ấy đã khéo gửi hình ảnh người mình yêu vào
muôn thuở như thế.
Cuộc sống thường ngày trong công cuộc làm ăn và rong chơi,
ngoài đời có múa hát, trong tranh có múa hát, có người và cá sấu
múa giỡn, cả trong gian nguy vẫn múa hát. Múa trên hoa sen lá sen,
múa trên lưng ngựa, trên đầu voi, trên đầu quỷ…
Những sự tích nhà Phật trên những tranh vẽ tường chùa Vạt
May khác đâu mọi cảnh ta hằng thấy ở khắp nơi trên đất nước này:
lều chợ bên sông, cạnh hồ sen, người bán cá, bán chuối, người giã
gạo, người vác nước. Cả đến cái nhà tô lên đấy cũng hệt ngôi nhà
trong làng: nhà bậc thang, đầu mái tranh đặt chiếc chum hứng nước
mưa với chiếc gáo múc treo đầu cột.
Bức tranh hay tấm gỗ khắc nào cũng viền voi, ngựa, trâu và lá
cỏ, lá sen - đâu cũng gặp những cái hàng ngày như thế, cảnh nhà cửa
vẽ trên tường chùa cũng như những dãy phố dài đều đặn từng nếp
nhà nửa hai tầng nửa sàn có cửa sổ trông ra núi Phu Xỉ.
Chiếc trống chùa trên núi Phu Xỉ mặt da trâu, đanh gỗ lởm
chởm như những con ốc nhồi bám quanh tang trống. Gác trống cất
giữa mỏm đá cao nhất. Không biết ngày đêm từ bao đời, cứ cách
quãng ba giờ, nhà sư giữ chùa lại thong thả điểm một hồi. Tiếng
trống rơi xuống thành phố: Tiếng thu không, tiếng nửa đêm, tiếng
thức giấc, tiếng rạng sáng, làm cho thành phố dòng sông như nửa
tỉnh nửa mơ trong tiếng đạo, tiếng đời.
Trèo hết ba trăm hai mươi tám bậc đá, lên đến đỉnh núi Phu Xỉ:
Trông xuống bốn phía lại vẫn thấy nhà và phố ngập trong bóng dừa,
bóng núi và hai dòng sông bắt chéo trước mặt sau lưng.