vẫn nụ cười hiền và lặng lẽ ấy, cô thong thả xách va-li ra cửa ga, rồi
cô lặng lẽ qua dưới bóng những cây bàng, như người đi chợ về.
Không thấy một thoáng ngơ ngác của người đi mười bốn năm mới
trở lại thành phố quê hương.
Ấy chỉ là cái trông thấy. Viêng Chăn còn bao nhiêu bề ngoài ngỡ
như trái ngược. Công việc khẩn trương của một thành phố hộ đê,
người đã sắp đẩy cả thuyền ngoài sông vào trong phố mà tất cả cứ
tưng bừng trong tiếng hát. Như cô bác sĩ Bun Hiêng đi học tốt
nghiệp về phục vụ, biết bao xôn xao, sôi nổi, thiết tha mà lại thể hiện
trong những bước đi thanh thản, bình lặng.
Viêng Chăn - những tán bàng xanh mởn, con đường hoa ban đỏ,
những đầu đao mái chùa cong như những ánh lửa nhỏ rỡn lên. Cốt
cách của thành phố cổ kính xưa nay vẫn một nét, chỉ có một ấy,
trước bao biến cố trái ngược ngoài đời.
Những ngược đời, những nghịch cảnh mà tôi đã thấy ở miền
Nam đất nước tôi và ở Viêng Chăn càng cho tôi thấm thía rằng cách
mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào, sau hơn ba mươi năm
chiến đấu chống kẻ thù chung, chúng ta có những niềm, những
thông cảm, những suy nghĩ và tâm sự như nhau từ Việt Bắc, từ Hà
Nội hay từ khu căn cứ trung tâm của kháng chiến Lào ở Hua Phăn
đến Viêng Chăn giải phóng ngày nay.
Viêng Chăn có nhiều xe kiểu du lịch của Tây Đức và Ý. Ở đống
rác bờ sông, có cả xác ô tô. Một dạo, các nước phương Tây đổ hàng
hóa vào đây, khoe của với rừng núi, các hãng đem ô tô đển bán chịu
cho trả dần vừa biếu phiếu mua xăng. Kỳ lạ, và bởi kỳ lạ vậy nên
mới có những cảnh trái khoáy: một thành phố hành chính bé nhỏ,
khuất nẻo ở một nước nông nghiệp còn cày cuốc và chọc lỗ gieo hạt,
xung quanh phố xá vẫn còn đất chưa khai phá, thế mà có vô khối
những xe Fi-át 1974 đỏ nổi đuôi ở cửa chợ Hôm, chợ Mai, chợ Vạt
Tày chen nhau với hàng trăm cải sam-lô, cái xe lôi từ mồ ma thời