Ngừm, khắp Khỏng - tiếng hát sông Mê Kông, tiếng hát sông Mê
Kông dạt dào xuống tận vùng Khỏng-sê-đôn bốn nghìn hòn đảo rải
trên mặt nước.
Viêng Chăn trong mùa mưa nước Lào. Mỗi ngày mỗi đêm, khi
mưa khi không chợt nắng, chợt rào rào. Hoa lá cũng như theo mưa
nắng mà đậm nhạt từng lúc. Những cây ban hoa đỏ. Những tán
bàng xanh mởn. Những vừng hoa sen nở đỏ thậm. Xanh lá xanh
mượt, xanh thăm thẳm như kéo dài qua dòng sông sang tận bên kia
nước Thái Lan có rặng tếch mờ như khói trong làn hoa vàng rắc
phấn. Viêng Chăn, Viêng Chăn trước thiên nhiên vẫn nguyên khuôn
mặt đáng yêu tưởng như đã tự bao giờ. Bởi vậy, những nét khỏe của
cuộc sống mới tô đậm vào trời đất ấy, là một điều tự nhiên.
Trong bóng chiều, bóng cây xanh ngắt xanh ngơ, những chị em
đi hộ đê về, áo hồng, váy lượn sóng gấu tím. Các cô thong thả bước,
vai vác cuốc, cánh tay trần. Lời hát ngày xưa rằng:Chớp trên trời
sáng trắng như cánh tay em đung đưa - bây giờ vẫn trông thấy trong
hình dáng em, em đi mà đã như em vui múa.
Viêng Chăn, thành phố những chùa những tháp công trình
nghệ thuật dân gian. Từ những năm 1641 - 1642, đoàn thuyền của lái
buôn Hà Lan Giê-nít Van Oen-stôp ngược sông Mê Kông lên Viêng
Chăn đã được dự một đêm hội thuyền, người phương Tây có công
nghiệp sớm cũng phải ngạc nhiên trước cảnh hùng vĩ “Khi trời vừa
tối, hàng mấy trăm chiếc thuyền người chèo người đốt đuốc, cuộc
bơi thi bắt đầu quanh những chiếc thuyền thắp nến sáng như kiệu
hoa, thế là cả dòng sông mênh mông rực rỡ như nổi lửa lên”.
Truyền thống huy hoàng ấy đã soi tỏ lịch sử nước Lào. Cho tới
ngày nay, lúc nào đời sống đất nước này cũng là lịch sử một dân tộc
cả nghìn năm phát triển trên bờ sông Mê Kông, từ những thời kỳ
chum đá tiền sử, tới cốc đời tụ hội thành mường. Biết bao câu
chuyện cổ tích kỳ ảo còn kể lại rằng hai mươi hai đời vua từ Khum