chua cá vồ Phnôm Pênh đấy”.
Phải, chẳng lâu la gì đâu, chỉ đi dấn hai mươi ba cây số nữa là
đến huyện lỵ Tịnh Biên, đến Châu Đốc và Châu Đốc lại kề sông Bát-
sắc, sông Bát-sắc ở đấy nước đỏ ngầu chảy xiết, ghe thuyền qua lại
ồn ã, mải miết, cũng như ta thấy lúc sáng ngay dưới cầu Mô-ni-vông
trên Phnôm Pênh. Và cả nhánh sông Sla-kou đầu tỉnh Tà-keo chúng
tôi vừa tới cũng đương vội vã xuôi thẳng về thị xã Châu Đốc. Một
chùm hoa lục bình tím bơ vơ trôi đây, chốc lát đã về tới kia. Hai
mươi ba cây số! Những con số cứ chích vào người! Bằng nửa đường
lên Sơn Tây. Bằng Hà Nội qua Hà Đông, chưa đến Vân Đình, chưa
được phần đường Phủ Lý. Hai mươi ba cây số!
Nhưng chúng tôi vẫn lại chỉ có thể đứng đây nhìn về Tịnh Biên.
Đầu thị trấn Tà-keo, một dải nước trên đồng lầy đương lên.
Chiếc đò dài lướt, có một người con gái đứng chon von đầu đò, khăn
“rằn” phất phới, bóng dừa và thốt nốt lủa tủa đằng xa. Chị ấy nói gì,
tôi không rõ, chỉ vẫn nghe cái giọng người con gái Nam bộ êm ái hết
sức dễ thương. Đò về đằng kia mà tôi cứ tưởng đò ấy, cô em đương
khoan thai cho lướt sang Tịnh Biên và chỉ ngay bên mép nước đã là
Tịnh Biên, là Châu Đốc, là đất mình rồi.
Đây sang đấy, một việc thường. (Mà sao ta không thể). Chuyện
những ngày cũ nhắc lại vẫn còn nghe tiếng thở dài. Ngày ấy, có lần
đi tìm công việc làm, tôi đã đáp xe thổ mộ lần lần từ Sài Gòn lên
Cam-pu-chia. Có gì đáng nói đâu, cái cảnh một người chạy vạy kiếm
kế sinh nhai qua ngày. Con ngựa lọc cọc kéo lên Củ Chi, rồi Trảng
Bàng, rồi Gò Dầu Hạ. Công việc không xong, tôi phải lần sang Xoài
Riêng. Sang Xoài Riêng thì cũng như từ Tà-keo này về Tịnh Biên, chỉ
uống rốn một ấm chè hay chịu khó đợi sang bên kia làm ly cà phê đá
nhân thể, là đến nơi thôi. Lần tôi đi ngày ấy là như thế. Bây giờ thì từ
miền Bắc phải đi vòng hàng nghìn cây số nhưng đến đây thì cũng